Theo một thông cáo báo chí, cơ quan quản lý ngọn núi này đã khởi xướng một chiến dịch kêu gọi những người đi bộ đường dài không đổ nước dùng mì ăn liền lên núi hoặc xuống suối để bảo vệ “môi trường trong sạch”.
Ngọn núi cao 1.947m này là "nóc nhà" Hàn Quốc và nằm ở hòn đảo du lịch nổi tiếng Jeju. Địa điểm này thu hút số lượng lớn người đi bộ đường dài và việc mang theo mì ăn liền để "tiếp sức" trên chặng đường rất phổ biến.
Mì ăn liền là món ăn phổ biến của dân leo núi đường dài ở Hàn Quốc. (Ảnh minh họa: Korea Times)
Cơ quan quản lý dựng nhiều biểu ngữ với nội dung kêu gọi bảo tồn ngọn núi trong sạch cho thế hệ tương lai, và yêu cầu dân leo núi chỉ nên sử dụng một nửa lượng nước khi nấu mì ăn liền.
Lý do nước mì ăn liền gây hại cho môi trường, theo cơ quan này là do hàm lượng muối cao, đe dọa các loài thủy sinh, làm ô nhiễm đất.
Theo truyền thông Hàn Quốc, những khu vực nghỉ ngơi trên núi cấm bán hàng và nấu ăn, nhưng dân leo núi vẫn mang theo bình nước nóng để tự nấu mì. Do lượng người leo núi đông, các thùng rác có sẵn trên núi chỉ chứa được chất thải rắn, chứ không đủ chứa nước mì thừa, khiến nhiều người đổ thẳng xuống đất hoặc toilet.
Hallasan là đỉnh núi cao nhất Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap)
Chiến dịch "chống nước mì" trên núi Hallasan đang nhận được nhiều ý kiến ủng hộ trên mạng xã hội. Nhiều người yêu cầu cấm hẳn việc mang đồ ăn lên núi, tương tự như chính sách ở nhiều ngọn núi khác.
Cảnh sát Jeju kiểm tra quy mô lớn vào hôm 25/6, sau nhiều khiếu nại của người dân liên quan đến hành vi của khách du lịch trên đảo. Theo nhà chức trách, 9 du khách nước ngoài đã bị phạt tiền tại chỗ vào ngày đầu tiên áp dụng biện pháp kiểm soát mới.
Núi Hallasan là một phần của di sản Đảo Núi lửa Jeju và Ống dung nham được UNESCO công nhận. Theo thống kê của chính phủ Hàn Quốc, năm ngoái có 923.680 lượt khách đã đến thăm thắng cảnh này.
Trong khi đó, trào lưu ăn mì ăn liền khi leo núi đang ngày càng trở nên phổ biến ngay cả bên ngoài nước này, khi loại mì ramyun nổi tiếng của Hàn Quốc thậm chí còn được bán trên đỉnh Matterhorn, Thụy Sĩ.