Mẹ theo duyên mới, cha một mình nuôi con gái suy thận

Trần Chánh Nghĩa| 17/06/2023 07:00

Bé ngồi trên ghế ở góc phòng. Cha bé xé bịch lấy ra túi dịch treo lên giá đỡ để bên cạnh. Lấy một đầu dây của túi dịch cắm vào một đầu của ổ cắm ngay trong bụng bé. Thêm một túi không, cắm dây vào một đầu khác cạnh đó rồi cứ thế buổi truyền dịch thủ công dành cho bé bắt đầu...

'Tôi nằm xuống, con sẽ ra sao?'

Túi không để dưới đất bắt đầu có dịch từ trong bụng bé chảy ra từng giọt. Càng lúc túi càng nhiều rồi căng lên. Cha bé bê chiếc túi lên nhìn kỹ bên trong và nói: "Dịch vẫn còn chảy anh ạ. Như vậy là dịch cũ ra chưa hết. Chờ thêm một chút nữa".

Anh Hữu và con gái, bé Trúc.

Anh là Dương Quốc Hữu, 49 tuổi, là nhân viên bảo vệ của một công ty trong khu công nghiệp Trảng Bàng (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh). Đứa bé là Dương Thanh Trúc, 15 tuổi, con gái của anh.

Anh kể cho chúng tôi nghe, một ngày phải truyền dịch cho cháu 5 - 6 lần, mỗi lần cách nhau 4 giờ. Hiện anh đang trong giờ làm việc nhưng phải về lo cho cháu...

Năm 2015, Trúc bị sốt, mặt phù đỏ ửng. Ban đầu người cha cứ nghĩ con gái bị cảm nhưng thuốc uống hoài vẫn không hết. Anh đưa cháu đến bệnh viện Nhi Đồng 1 để khám, bác sĩ kết luật Trúc bị viêm cầu thận. Chạy chữa một thời gian không hết anh cho cháu về tìm đến nhà một thầy lang để chữa trị. Sau hơn 6 tháng, bệnh tình của Thanh Trúc có thuyên giảm đáng kể. Cháu về đi học lại nhưng cũng chỉ vài tháng thì bệnh tái phát.

"Lần này tôi đưa cháu vào bệnh viện Nhi Đồng 2. Nơi đây khám và xác nhận cháu bị suy thận mãn thời kỳ cuối và phải chạy thận. Chạy thận không rẻ, phải đến bệnh viện liên tục thì tiền đâu mà chữa và thời gian đâu mà làm việc để sinh sống?", anh trải lòng.

Người cha giúp con truyền dịch.

Túi dịch thải đã đầy. Anh Hữu cầm lên xem rồi để lên cân. Được 1,4kg. "Đạt rồi đấy", anh nói. Nhưng cẩn thận hơn, anh bảo bé Trúc đứng lên cân để xem trọng lượng cơ thể có thay đổi không. Giờ thì cho dịch mới vào thôi. Bé Trúc mở khóa túi dịch truyền và ngồi xuống ghế. Bé Trúc mang khẩu trang nên chúng tôi không nhìn được nét mặt nhưng qua ánh mắt, dường như bé thương cha vô cùng. Không thương sao được, từ 3 năm nay, mọi gian nan khổ ải đều một tay cha Trúc lo lắng.  

"Cực lắm anh ơi. Truyền dịch thủ công là thay thế chạy thận tại bệnh viện. Công việc đòi hỏi phải hết sức sạch và đúng giờ. Nếu vì lý do gì bị trễ, dịch sẽ tràn lên màng tim lại phải nhập viện... ", anh Hữu giãi bày.

Anh Hữu chăm chút lo cho bé Trúc. Thời gian đã vào trưa. Anh xuống bếp nấu cơm và thức ăn để sau khi truyền dịch xong hai cha con vào bữa. Bữa ăn chỉ 2 người, buồn nhưng ấm áp tình cha con. "Mỗi tháng, tiền thuốc của Trúc sau khi trừ 80% BHYT, còn lại tôi phải chi trả hơn 4 triệu đồng trong khi lương không quá 5 triệu/tháng. Cứ thế mà 3 năm nay rồi đấy. Hơn lúc nào hết, hiện nay tôi rất sợ bị đau ốm. Tôi mà nằm xuống không biết bé Trúc sẽ ra sao?", người cha nói không giấu nổi vẻ buồn bã.

"Dù thế nào con cũng thương mẹ. Mẹ của con mà"

Anh Hữu trải lòng về quá khứ: "Tôi lấy vợ năm 1990. Vợ tôi là một phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác, thương chồng thương con. Tôi làm ở cơ quan, vợ ở nhà chăm con và chăn nuôi heo. Chúng tôi có với nhau được 3 cháu. Cháu trai lớn đã có vợ và ra ở riêng. Bé Trúc rồi thêm 1 đứa con trai nữa, cháu Bằng.

Cân để xác định dịch thải đã thải đủ

Cháu Bằng càng ngày càng lớn thì vợ tôi bắt đầu thay đổi. Việc nhà, con cái bỏ bê, cô ấy thường ở các quán cà phê trò chuyện với bạn bè. Sau đó có người báo cho tôi biết vợ ngoại tình.

Tôi vẫn bình tĩnh vì nghĩ đến con, đến gia đình. Nhiều lần tôi to nhỏ, khuyên nhủ nhưng rồi đâu cũng vào đó. Tình hình ngày càng xấu đi. Nhiều lần cô ấy bỏ đi biền biệt mấy ngày liền không một lời đoái hoài. Tôi nghĩ nếu thế thì thôi chúng tôi nên đường ai nấy đi". Năm 2013, họ ra tòa li dị. Cháu lớn ở riêng, chỉ có Trúc 10 tuổi và Bằng 7 tuổi ở với anh Hữu. Ba cha con thuê nhà trọ khác để ở. Thỉnh thoảng vài tháng người mẹ mới ghé lại thăm con.

"Hai năm sau, Trúc lâm bệnh. Nhiều đêm nhìn con nằm thiêm thiếp nhưng vẫn gọi "Mẹ ơi" lòng tôi đau như cắt. Con trẻ nào có biết gì, có tội tình gì đâu. Tôi thì vẫn cố sức làm tất cả để bù đắp cho con nhưng làm sao mà đủ được, nhất là về mặt tình cảm. Trúc nằm viện mẹ có vào thăm. Khi biết ngày mai Trúc mổ, mẹ Trúc vẫn bình thản ra về xem như không có gì xảy ra", anh kể tiếp.

Những túi dịch đã truyền xong được gom lại. Anh Hữu cho biết mỗi lần tái khám đem những túi này theo sẽ có người mua lại.

Anh kể đến đây lòng tôi như se lại. "Thỉnh thoảng mẹ mới về. Mỗi lần về có mua cho con bánh và cho con vài trăm nghìn đồng. Có lần con nhớ mẹ quá, con gọi điện cho mẹ nhưng mẹ làm thinh không nghe máy", Trúc kể với giọng buồn và dường như có chút gì nghèn nghẹn. Đôi mắt đỏ hoe, Trúc nói tiếp: "Dù thế nào con cũng thương mẹ. Mẹ của con mà". "Trước đây đi làm tôi yên tâm lắm vì ở nhà còn có cháu Bằng trông chị. Vậy mà hôm 26 Tết vừa qua, mẹ cháu về rủ rỉ như thế nào mà Bằng theo về với mẹ. Vì thế buổi sáng tôi phải gửi Trúc cho ngoại để đi làm đến 10 giờ đón về truyền dịch cho cháu. Bà ngoại cháu từng nói với tôi: "Má không coi con là rể mà xem như con ruột. Con phải tìm một chỗ để về già còn nương tựa với nhau. Con tìm được ai, nói má má đứng ra cưới cho con", người cha chia sẻ.

Bệnh tình của Trúc đang rất căng thẳng. Hiện tại, anh chỉ biết cố gắng hết sức, vừa đi làm, vừa lo lắng tìm mọi cách chữa bệnh cho con. 

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng tren VietNamNet ngày 16/04/2018   

https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/me-theo-duyen-moi-cha-mot-minh-nuoi-con-gai-suy-than-440548.html?fbclid

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mẹ theo duyên mới, cha một mình nuôi con gái suy thận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO