Câu chuyện thiếu trường học ở các thành phố lớn khiến nhiều phụ huynh phải xếp hàng dài chờ xin học cho con một lần nữa được nêu ra tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 12/7, khi cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 5, tháng 6.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên; việc tiếp cận, thụ hưởng nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế, giá bán còn cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số người lao động.
Bên cạnh đó, cử tri cũng lo lắng trước tình trạng thiếu nhà trẻ công lập ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi thanh, thiếu niên...
Góp thêm ý kiến vào những vấn đề cần quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phản ánh việc phụ huynh xếp hàng thâu đêm nộp hồ sơ cho con vào lớp 10. Theo bà, tình trạng này kéo dài nhiều năm nay, nhất là ở Hà Nội và TPHCM.
Theo nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, thi vào lớp 10 hiện nay khó hơn thi đại học. Bà đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vào cuộc để có giải pháp cho thực trạng này.
"Có phải chúng ta thiếu trầm trọng trường công cấp 3 không? Thực tế này giải quyết thế nào?", bà Nga đặt vấn đề và đề nghị bổ sung nội dung này vào Báo cáo công tác dân nguyện.
Làm rõ thêm vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện nay số trường THPT thấp hơn số trường tiểu học và THCS. Học sinh lên THPT phải phân luồng bằng điểm thi, ai điểm thấp phải sang tuyến khác vì ngoài công lập còn có trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường học nghề...
"Nhu cầu muốn học cấp 3 lớn, đặc biệt là trường công lập vì chi phí thấp hơn rất nhiều so với trường tư thục", ông Vinh lý giải cho câu chuyện phụ huynh phải xếp hàng xuyên đêm chờ xin học cho con.
Theo ông, đây là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng nên cần nghiên cứu giải pháp để giải quyết, dù không phải chuyện dễ giải quyết.
Ông Vinh nêu thực tế ở những địa phương như Hà Nội hay TPHCM, hàng năm đều đầu tư nhiều cho trường lớp. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn tiền còn cần quỹ đất, biên chế giáo viên.
"TPHCM có dân số 9,2 triệu người nhưng thực tế ước tính cả vãng lai lên đến 14 triệu người. 5 triệu người chênh ra nếu không tính đến sẽ rất khó khăn để đưa ra chính sách phù hợp, dẫn đến thiếu hàng nghìn lớp học", ông Vinh nói.
Đồng tình với đề nghị đưa nội dung này vào Báo cáo Dân nguyện, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho biết Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ nghiên cứu sâu, có giải pháp căn cơ hơn để giải quyết.