Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai, diện tích đất bị sạt lở ở đèo Bảo Lộc có một phần nằm ngoài và một phần nằm trong quy hoạch rừng.
Cũng liên quan đến vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 1/8, đại diện lãnh đạo Cục Lâm nghiệp thông tin rằng, vườn sầu riêng khoảng 1 ha nằm ở điểm sạt lở trên đèo Bảo Lộc là đất rừng phòng hộ, mà rừng phòng hộ thì phải trồng cây bản địa, có bộ rễ phát triển, lá không rụng theo mùa. Hiện trường vụ sạt lở cho thấy đất rừng phòng hộ ở khu vực đèo Bảo Lộc đã bị khai thác để trồng sầu riêng và không nghi ngờ gì, đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới vụ sạt lở đất nghiêm trọng cuối tháng 7 vừa qua.
Nhiều ý kiến đề nghị, cần phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để cho người dân khai thác đất rừng làm vườn sầu riêng trên diện tích rừng phòng hộ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong vài năm trở lại đây, tình trạng sạt lở đất xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước với tần suất ngày một tăng. Lũ ống, lũ quét gây sạt lở đất, lở núi, để lại hậu quả khó lường. Không riêng ở miền núi phía Bắc, mà ở miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, lũ ống, lũ quét cũng diễn ra bất thường, gây thiệt hại nặng về người và nhà cửa của người dân. Người dân sinh sống ở địa bàn thường xuyên bị sạt lở đất đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề và nơm nớp lo sợ tai họa ập xuống bất cứ lúc nào.
Thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan; biến đổi khí hậu cùng với những tác động xấu do con người gây ra với thiên nhiên, môi trường khiến lũ quét, sạt lở đất ngày càng khó dự báo. Nguyên nhân trực tiếp của sạt lở đất thường là do mưa lớn, xảy ra cực đoan tại một số điểm có nền đất yếu, nhưng cái gốc của tình trạng này là do mất rừng. Một khi rừng, lá chắn sống của thiên nhiên bị con người rút ruột, thì hậu quả khôn lường từ những cơn cuồng nộ của thiên nhiên là không tránh khỏi.
Theo phân tích của các nhà địa chất, tình trạng trượt, sạt lở đất chủ yếu liên quan đến hiện tượng thời tiết bất thường và do tác động của con người. Bên cạnh các yếu tố tự nhiên, thì tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy, “lâm tặc” chặt phá rừng lấy gỗ, phát triển thủy điện tùy tiện…, cũng gây tác động lớn, làm mất cân bằng tự nhiên, dẫn đến sạt lở đất, đá. Bên cạnh đó, việc khai thác khoáng sản, khai thác đất đá với quy mô và khối lượng lớn, cũng được xem là nguyên nhân dẫn tới tình trạng làm mất ổn định, thay đổi dòng chảy, sụt trượt mái dốc taluy, sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét, đặc biệt là ở địa bàn miền núi.
Khi công trình do con người tạo ra, nhất là ở vùng rừng núi, đầu nguồn các con sông, ít nhiều đều ảnh hưởng đến môi trường. Việc làm đường, xây dựng nhà máy, nông trại, hồ chứa, đập nước, các công trình dân sinh đều cần đến đất rừng. Bởi vậy, diện tích rừng nguyên sinh bị thu hẹp, được thay bằng rừng trồng ở vị trí khác khiến khả năng giữ nước bị thay đổi, taluy vách đồi, núi được xẻ làm mất thế cân bằng ổn định của mái dốc được tạo ra qua hàng triệu năm… Đây là sự tác động trực tiếp đến sự chuyển dịch các khối đất, đá dẫn đến hiện tượng sạt lở đất và những hiểm họa khác từ thiên nhiên.
Đã có những cảnh báo đến công tác bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, quy hoạch bố trí dân cư hợp lý, xây dựng chương trình tổng thể phòng tránh lũ quét, sạt lở đất đồng bộ... Nhưng như thế chưa đủ, điều quan trọng trong phòng chống sạt lở, lũ quét, đối phó với hiện tượng thiên nhiên bất thường là phải tôn trọng tự nhiên. Đây cũng là bài học cần được rút kinh nghiệm sâu sắc trong ứng phó với sạt lở đất, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương và ý thức của người dân về bảo vệ rừng đầu nguồn.