Loài động vật quý hiếm nhất thế giới, chỉ hai cá thể còn sống

T.Thủy| 26/09/2024 16:25

Tê giác trắng phương Bắc được xem là loài động vật quý hiếm nhất thế giới hiện nay khi chỉ hai cá thể còn sống. Các nhà khoa học đang rất nỗ lực để tìm cách cứu loài động vật này khỏi bị tuyệt chủng.

Loài tê giác trắng phương Bắc (tên khoa học Ceratotherium simum cottoni) từng rất phổ biến ở các quốc gia thuộc khu vực Bắc Phi và Đông Phi. Tuy nhiên, số lượng của chúng đã bị sụt giảm nghiêm trọng do nạn săn trộm và những cuộc xung đột vũ trang tại khu vực mà chúng sinh sống.

Năm 2018, con tê giác trắng phương Bắc đực duy nhất còn lại trên thế giới đã chết do tuổi cao, khiến mọi nỗ lực bảo tồn loài động vật này lâm vào bế tắc.

Hiện tại, chỉ còn 2 cá thể tê giác trắng phương Bắc sống sót, đó là 2 mẹ con tê giác có tên Fatu và Najin, được chăm sóc đặc biệt tại Kenya. Tuy nhiên, cặp mẹ con này đều là cá thể cái và không thể tiếp tục sinh sản, khiến các nhà khoa học phải rất đau đầu tìm cách để cứu loài tê giác trắng phương Bắc khỏi bị tuyệt chủng.

Loài động vật quý hiếm nhất thế giới, chỉ hai cá thể còn sống - 1

Hai mẹ con tê giác trắng phương Bắc Fatu và Najin đang được chăm sóc đặc biệt tại Kenya (Ảnh: Alamy).

Do không thể duy trì nòi giống bằng cách sinh sản thông thường, các nhà khoa học đã nghĩ đến giải pháp sử dụng công nghệ sinh học để nhân bản vô tính loài động vật vô cùng quý hiếm này.

Các nhà khoa học thuộc Liên minh Động vật Hoang dã tại vườn thú San Diego (Mỹ) đã xem xét khả năng sử dụng tế bào da lấy từ 12 con tê giác trắng phương Bắc khác nhau đang được lưu trữ trong Vườn thú Đông lạnh của họ. Đây là một kho lưu trữ vật liệu di truyền từ hơn một nghìn loài động vật khác nhau.

Các nhà khoa học cho rằng họ có thể phục hồi quần thể tê giác trắng phương Bắc qua nhiều thế hệ mà không cần đến Fatu và Najin, giúp tránh nguy cơ giao phối cận huyết thường dễ dẫn đến những cá thể mắc nhiều bệnh, đột biến gen và khó có khả năng sống sót.

Để thực hiện điều này, các nhà khoa học dự định sẽ sử dụng vật liệu di truyền từ 12 con tê giác trắng phương Bắc khác nhau để tạo ra tế bào gốc tinh trùng và trứng nhằm chuyển thành phôi thai. Sau đó, họ sẽ sử dụng phôi thai này để nhờ những cá thể cái của tê giác trắng phương Nam, loài động vật có quan hệ gần gũi với tê giác trắng phương Bắc, mang thai hộ.

Các nhà khoa học đã sử dụng mô hình máy tính để phân tích các khả năng và kết quả cho thấy rằng sau 10 thế hệ, những con tê giác trắng phương Bắc sẽ không bị giao phối cận huyết, thay vào đó chúng sẽ trở thành một nhóm quần thể khỏe mạnh, đa dạng về mặt di truyền.

"Điều tuyệt vời của việc có nguồn gen lưu trữ ổn định trong vườn thú đông lạnh là chúng ta có thể tạo ra các cá thể mới và đưa chúng trở lại quần thể", nhà khoa học Aryn Wilder của Liên minh Động vật hoang dã thuộc vườn thú San Diego chia sẻ.

Tuy nhiên, trước mắt các nhà khoa học vẫn gặp phải thách thức không hề nhỏ đó là biến các tế bào da đông lạnh thành các tế bào gốc tinh trùng và trứng nhằm tạo nên phôi thai của loài tê giác trắng phương Bắc.

Ngoài ra, các nhà khoa học cho biết họ vẫn chưa thể chắc chắn rằng các cá thể tê giác trắng phương Nam cái có thể mang thai thành công khi được cấy phôi thai của loài tê giác trắng phương Bắc vào tử cung.

Dù vậy, các nhà khoa học cho biết đây vẫn là một tín hiệu đáng mừng khi họ có thể tìm ra những giải pháp, dù là mong manh nhất, để có thể bảo tồn và cứu loài tê giác phương Bắc khỏi bị tuyệt chủng.

Việc tê giác trắng phương Bắc phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng là một ví dụ đau lòng cho thấy sự tác động của con người đối với đa dạng sinh học và là lời cảnh tỉnh về tầm quan trọng của bảo tồn động vật hoang dã.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Loài động vật quý hiếm nhất thế giới, chỉ hai cá thể còn sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO