Liên tiếp xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm
Đến sáng 3.5, tổng cổng có 469 người nhập viện cấp cứu sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng (đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Trong đó, có 12 ca đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Theo UBND TP Long Khánh, ngày 30.4, người dân mua bánh mì tại tiệm Băng ăn, sáng hôm sau thì có dấu hiệu tiêu chảy, nôn ói và bắt đầu nhập viện. Tiệm bánh mì Băng phục vụ trên 1.000 ổ bánh mì/ngày (2 buổi).
Liên quan đến vụ nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Đồng Nai, cũng trong sáng 3.5, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) thông tin, đơn vị tiếp nhận 1 nam bệnh nhi (13 tuổi) vào sáng 2.5. Bệnh nhi được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị. Hiện, bệnh nhi có sinh hiệu ổn, tỉnh táo, hết sốt.
Tại TPHCM cũng vừa xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm. Theo báo cáo nhanh của Bệnh viện Lê Văn Thịnh gửi Sở Y tế TPHCM, ngày 2.5, đơn vị tiếp nhận 15 trường hợp nhập cấp cứu với các triệu chứng nôn ói, chóng mặt, chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại 4 trường tiểu học trên địa bàn. Trong 15 em học sinh, có 10 em có ăn sushi, có em ăn bánh mì trước cổng trường...
Nắng nóng là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời tiết nắng nóng, bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TPHCM khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi. Thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, thức ăn nhanh ôi thiu. Bên cạnh đó, không để lẫn giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín.
Bà Lan cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, thức ăn trước cổng trường. Bởi, đây là những hàng quán di động, hình thức bảo quản thực phẩm không nhiều hoặc việc rửa chén bát cũng gặp khó. Đồng thời, những hàng quán này thường di chuyển nhiều, nguy cơ bụi và côn trùng xâm nhập cao.
Thông thường, nhóm đối tượng của thực phẩm này là trẻ em - nhóm này lại có nguy cơ lớn. Vì vậy, đơn vị tập trung, tăng cường kiểm soát thức ăn đường phố.
Trong Tháng hành động về An toàn thực phẩm năm 2024 (15.4-15.5), Sở An toàn thực phẩm TPHCM thành lập 11 đoàn kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố với số lượng cơ sở dự kiến kiểm tra 2.366 cơ sở.
Nhằm kịp thời ngăn chặn các sự cố liên quan an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, Sở An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế thành phố hỗ trợ cung cấp thông tin các sự việc mất an toàn thực phẩm được ghi nhận từ hệ thống các bệnh viện, cơ sở điều trị trên địa bàn thành phố.
Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng, thuốc men và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm. Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị kịp thời hoặc khai báo khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.