Lập trường và chủ trương của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông

GS.TS. Nguyễn Hồng Thao| 19/06/2024 13:03

Trong vùng Biển Đông, tồn tại hai loại tranh chấp và quan điểm khác nhau về liên kết và tách biệt giữa hai loại tranh chấp này.

Lập trường và chủ trương của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông
Nghi thức duyệt binh trong lễ chào cờ ở đảo Trường Sa. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ liên quan đến Việt Nam có thể kể đến như:

(1) Tranh chấp chủ quyền ở Hoàng Sa giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc cùng với vùng lãnh thổ Đài Loan;

(2) Tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa gồm năm nước, sáu bên (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Trung Quốc cùng với vùng lãnh thổ Đài Loan);

(3) Tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Philippines, Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan;

Các tranh chấp phân định biển, có thể kể đến:

(1) Tranh chấp liên quan đến đường chín đoạn do Trung Quốc tuyên bố, bao gồm gần 80% diện tích Biển Đông và chồng lấn với các yêu sách vùng đặc quyền kinh tế của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, vùng lãnh thổ Đài Loan và Việt Nam;

(2) Tranh chấp ở vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc;

(3) Tranh chấp ở vùng biển giữa Việt Nam và Campuchia trong vùng Vịnh Thái Lan;

thieng-lieng-le-chao-co-o-dao-truong-sa-20230429233452.jpg
Thiêng liêng lễ chào cờ ở đảo Trường Sa. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ngoài hai loại tranh chấp về lãnh thổ và phân định các vùng biển chồng lấn, Biển Đông còn là đối tượng của các loại tranh chấp liên quan đến các hoạt động trên biển của các quốc gia như tự do hàng hải, tự do hàng không, nghiên cứu khoa học biển, đặt dây cáp và ống dẫn ngầm.

Có nước gắn liền vấn đề chủ quyền lãnh thổ với các vùng biển, cho rằng chỉ có thể giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ mới có thể giải quyết tranh chấp biển. Toà trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016 cho rằng hai vấn đề có thể tách biệt. Một số nước trong khu vực ủng hộ quan điểm này.

Lập trường và chủ trương của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông này được thể hiện ở các điểm chính sau:

Khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Lập trường này đã được khẳng định nhiều lần trong các văn kiện của Đảng, sách Trắng, tuyên bố của Bộ Ngoại giao và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong các cuộc họp, trao đổi và đàm phán với các nước.

UNCLOS là văn bản duy nhất, toàn diện và nhất quán để giải quyết các tranh chấp trên biển. Nghị quyết phê chuẩn UNCLOS 1982 ngày 23/6/1994 của Việt Nam khẳng định rõ “bằng việc phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982, Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”.

Nghị quyết cho thấy quan điểm và lập trường rõ ràng của Việt Nam trong việc tiếp cận vấn đề biển và vai trò của UNCLOS 1982.

cong-uoc-cua-lhq-ve-luat-bien-nam-1982-va-viec-bao-ve-quyen-loi-viet-nam-tren-bien-dong-ky-1-20231102152641.jpg
Hội nghị lần thứ 33 các Quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 diễn ra từ 12-16/6/2023 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc).

Một là, xây dựng một trật tự pháp lý công bằng trên biển là mục tiêu trước tiên và cao nhất của Việt Nam khi gia nhập UNCLOS 1982. Việt Nam tin tưởng rằng UNCLOS 1982 là công cụ để xây dựng và bảo đảm một trật tự pháp lý công bằng trên biển.

Hai là, Việt Nam khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển. UNCLOS 1982 sẽ là khung pháp lý tạo điều kiện và điều chỉnh sự phát triển và hợp tác trên biển này.

Ba là, UNCLOS là văn bản duy nhất, toàn diện và nhất quán để giải quyết các tranh chấp trên biển. Thực hiện nghĩa vụ thành viên UNCLOS 1982 giúp Việt Nam bảo đảm cả ba mục tiêu trong việc sử dụng biển, đó là trật tự pháp lý công bằng, phát triển và hợp tác trên biển.

Bên cạnh đó, giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là áp dụng các biện pháp hoà bình. Đây là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, được ghi nhận rõ tại Điều 2(4) và Điều 33 của Hiến chương LHQ. Các biện pháp giải quyết hoà bình các tranh chấp bao gồm: Đàm phán, trung gian, điều tra, hoà giải, trọng tài, toà án…v.v.

Đồng thời, cơ sở để giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông là luật pháp quốc tế. Đối với tranh chấp về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu thực sự là luật áp dụng. Đối với các loại tranh chấp còn lại, UNCLOS 1982 là văn kiện pháp lý đầy đủ và toàn diện được sử dụng làm cơ sở trong đàm phán với các nước và trong việc nghiên cứu khả năng sử dụng các biện pháp pháp lý mang tính ràng buộc như được quy định tại Phần XV của Công ước.

truongsa-vuminhgiang.jpg
Đảo Trường Sa nhìn từ máy bay trực thăng (Ảnh: Vũ Minh Giang)

Cho đến nay, Việt Nam chủ yếu mới sử dụng biện pháp đàm phán để giải quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước ven Biển Đông. Nhiều tranh chấp về phân định biển của Việt Nam với các nước đã được giải quyết hoà bình và các bên ký kết được các hiệp định phân định và hợp tác thông qua đàm phán. Điển hình như: Hiệp định phân định ranh giới trên biển trong Vịnh Thái Lan giữa Việt Nam và Thái Lan năm 1997, Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2000, Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc năm 2000, Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia năm 2003, Hiệp định phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia năm 2022.

Mặc dù vậy, Việt Nam cho rằng các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn các biện pháp hoà bình để giải quyết các tranh chấp quốc tế, không loại trừ việc sử dụng biện pháp pháp lý. Việc sử dụng biện pháp pháp lý trong giải quyết tranh chấp là biện pháp văn minh được quy định trong Hiến chương LHQ cũng như trong UNCLOS 1982, giúp tránh được những xung đột có thể xảy ra và có thể đưa đến một giải pháp công bằng mà các bên có thể chấp nhận được.

Quan điểm và lập trường chung của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông là phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Quan điểm này có nhiều điểm đồng với các nước, được nhiều nước trong và ngoài khu vực như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, New Zealand, Hàn Quốc, Ấn Độ ủng hộ.

Điều này thể hiện rõ qua việc các văn kiện và tuyên bố chung của các hội nghị cấp cao, hội nghị Bộ trưởng ASEAN và các hội nghị liên quan của ASEAN với các nước đối tác hàng năm như ARF, EAS, PMC… ghi nhận nhiều điểm đồng với quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông như giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, phù hợp với UNCLOS 1982; tôn trọng trật tự pháp lý trên biển; UNCLOS 1982 là cơ sở để xác định quyền hưởng các vùng biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và và các lợi ích hợp pháp của các nước tại các vùng biển.

Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) đã cho phép Việt Nam mở rộng quyền lực và lợi ích của mình ra phía biển, là công cụ pháp lý hữu hiệu để Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển... Các quy định và tinh thần của Công ước 1982 cũng được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng và thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông và quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/lap-truong-va-chu-truong-cua-viet-nam-trong-viec-giai-quyet-cac-tranh-chap-tren-bien-dong-248258.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/lap-truong-va-chu-truong-cua-viet-nam-trong-viec-giai-quyet-cac-tranh-chap-tren-bien-dong-248258.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lập trường và chủ trương của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO