Làm thế nào để người có thu nhập thấp tiếp cận nhà ở xã hội dễ dàng?

Hoài Thanh| 15/06/2023 08:45

Sự chênh lệch giữa quy định pháp luật và thực tế dẫn tới việc người có thu nhập thấp, khả năng tài chính hạn hẹp mong muốn tiếp cận và sở hữu nhà ở xã hội gặp nhiều gian nan.

Nhà ở xã hội là giải pháp tái cân bằng nhằm bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy tính bền vững của thị trường bất động sản. Tuy vậy, việc phát triển phân khúc này vẫn còn nhiều khó khăn.

Dự thảo Luật Nhà ở xã hội đang trong giai đoạn lấy ý kiến, nhiều quy định về chính sách nhà ở xã hội đã được sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp cận dễ dàng. Song, dự thảo vẫn tồn tại một số hạn chế.

Nhiều chuyên gia, giảng viên của Khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật TPHCM đã cùng trao đổi, bàn luận xoay quanh những vấn đề pháp lý về nhà ở xã hội tại hội thảo tổ chức ngày 14/6.

Làm thế nào để người có thu nhập thấp tiếp cận nhà ở xã hội dễ dàng? - 1

Hội thảo Những vấn đề pháp lý về nhà ở xã hội tại trường Đại học Luật TPHCM sáng 14/6 (Ảnh: Hoài Thanh).

Người thu nhập thấp gian nan mua nhà

Bà Hồ Thị Gái, Tập đoàn Kim Oanh Group, cho rằng Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi Luật Nhà ở 2014 còn tồn tại một số bất cập khiến khả năng tiếp cận nhà ở xã hội của người có thu nhập thấp trở nên hạn chế. Bên cạnh đó, quá trình áp dụng pháp luật trên thực tế còn nhiều vướng mắc.

Để nộp hồ sơ xét duyệt mua nhà ở xã hội, bà Gái cho biết, theo quy định, người thu nhập thấp phải có đăng ký tạm trú trên 1 năm, có xác nhận tham gia đóng BHXH trên 1 năm; chưa có sở hữu nhà ở, chưa được thuê, mua nhà ở xã hội; không đóng thuế thu nhập cá nhân thường xuyên...

Để được mua nhà ở xã hội, người có thu nhập thấp phải tiếp tục làm các hồ sơ, giấy tờ liên quan để chứng minh, gồm: đơn đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; mẫu xác nhận về đối tượng, thực trạng nhà ở; xác nhận về điều kiện thu nhập hoặc cam kết về mức thu nhập không thuộc trường hợp đóng thuế thu nhập thường xuyên.

Ngoài ra, cần giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú và xác nhận của cơ quan BHXH về việc có tham gia đóng BHXH trên 1 năm.

Làm thế nào để người có thu nhập thấp tiếp cận nhà ở xã hội dễ dàng? - 2

PGS.TS Hà Thị Thanh Bình thảo luận tại hội thảo (Ảnh: Hoài Thanh).

Bà Gái cho rằng một số quy định đi vào thực tiễn áp dụng có sự chênh lệch. Chẳng hạn điều kiện tạm trú trên 1 năm và có tham gia BHXH trên 1 năm, có những người lao động như công nhân, lao động tự do buôn bán có thể không đăng ký tạm trú được, hoặc di chuyển thay đổi rất nhiều nơi trong cùng một địa phương. Điều này dẫn tới việc họ không đáp ứng được điều kiện này.

Ngoài ra, việc yêu cầu giấy tờ xác minh nguồn thu nhập thấp không đóng thuế thường xuyên khó tránh khỏi tình trạng "lách luật" để mua nhà do khai thu nhập. Điều này dẫn tới người thực sự cần lại không mua được còn người không đúng đối tượng lại được mua nhà ở xã hội.

Cần định nghĩa lại về "nhà ở xã hội"

PGS.TS Nguyễn Văn Vân, giảng viên Khoa Luật Thương mại, cho rằng, khái niệm "nhà ở xã hội" theo luật hiện hành đang quá ôm đồm, chung chung.

"Tôi cảm giác quy định tới 10 nhóm đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội, xem xét kỹ sẽ thấy bất cập. Cần phân chia theo nhóm, cái nào thật sự là nhà ở xã hội thì chỉ cho đối tượng nào thôi, nhà cho người thu nhập thấp sẽ cho đối tượng khác, rồi nhà công vụ, ký túc xá sinh viên... Chứ hiện gom hết vào khái niệm nhà ở xã hội", vị chuyên gia nhìn nhận.

Ông Vân cho rằng việc làm rõ nội hàm này sẽ là chìa khóa giải quyết các vấn đề về điều kiện sở hữu nhà, tiêu chuẩn, phương thức (mua bán, cho thuê)...

Làm thế nào để người có thu nhập thấp tiếp cận nhà ở xã hội dễ dàng? - 3

PGS.TS Nguyễn Văn Vân (Ảnh: Hoài Thanh).

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình, Trưởng Khoa Luật Thương mại, cho rằng, cần xác định nội hàm khái niệm, xác định lại nhà ở xã hội là gì, phân biệt nhà ở xã hội với các loại khác như nhà cho người có thu nhập thấp.

"Nếu xác định nhà ở xã hội là để thực hiện chính sách xã hội thì cần hạn chế, giới hạn đối tượng, giới hạn số lượng là bao nhiêu", bà Thanh Bình nói.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Văn Vân cho rằng, cần định vị lại vị trí của Nhà nước trong câu chuyện phát triển nhà ở xã hội. "Nhà ở xã hội là sứ mệnh của Nhà nước, Nhà nước chính là chủ đầu tư, hoạch định, làm đầu mối... Nhưng doanh nghiệp sẽ làm tốt hơn trong câu chuyện xây dựng, quản lý", ông Vân phát biểu.

Do đó, theo ông, Nhà nước nên tổ chức đấu giá rồi giao lại hạng mục xây dựng, quản lý cho doanh nghiệp. Hiện, các dự án nhà ở xã hội dùng tiền của doanh nghiệp nhưng Nhà nước lại đứng ra xây dựng, phân phối là không phù hợp.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Làm thế nào để người có thu nhập thấp tiếp cận nhà ở xã hội dễ dàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO