Làm đẹp theo người có sức ảnh hưởng: Nhiều mối nguy tiềm ẩn

31/08/2024 16:03

Khát khao đẹp hơn, tự tin hơn là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, để không sa vào bẫy của các influencer hoặc vượt qua áp lực skinfluencing...

Đắm chìm trong công nghệ số từ khi chào đời nhưng thế hệ Z đang đối mặt với hàng loạt thông tin sai lệch về làm đẹp trên mạng xã hội cũng như các “skinfluencing” (lời khuyên chăm sóc da từ những người có sức ảnh hưởng).

Trước khi mua một sản phẩm làm đẹp mới, bạn phải thử trên da để đo độ thích ứng, tình trạng kích ứng; tránh chọn theo… người có sức  ảnh hưởng
Trước khi mua một sản phẩm làm đẹp mới, bạn phải thử trên da để đo độ thích ứng, tình trạng kích ứng; tránh chọn theo… người có sức ảnh hưởng

Chống lão hoá ngay cả khi làn da chưa kịp "trưởng thành"

“Sáng A tối C” là câu “thần chú” làm đẹp đang rất phổ biến và được thế hệ Z cũng như thế hệ Alpha (sinh từ năm 2010) ưa chuộng. Ý nghĩa của câu này là khuyến khích người dùng sử dụng vitamin C vào buổi sáng và a xít retinoic vào buổi tối để có làn da đẹp hơn. Nó đánh trúng tâm lý, khát khao sở hữu làn da đẹp không tì vết của rất nhiều người, đặc biệt là thế hệ coi trọng vẻ bề ngoài và có thói quen thường xuyên mua sắm các sản phẩm chăm sóc da như thế hệ Z.

Thế hệ Z nhận thấy chu trình chăm sóc da liên quan trực tiếp đến sức khỏe, giúp họ tự tin hơn và mang lại những lợi ích về mặt tinh thần. Sinh ra trong thời công nghệ số, các bạn trẻ này thường chọn sử dụng mạng xã hội để tìm hiểu thông tin sản phẩm cũng như dễ bị ảnh hưởng từ influencer (người có sức ảnh hưởng). Các thương hiệu làm đẹp dĩ nhiên không bỏ lỡ cơ hội đó để tiếp cận khách hàng thông qua influencer. State of Beauty thống kê, có hơn 40% thế hệ Z mua 1 sản phẩm làm đẹp mới mà họ thấy trên mạng mỗi 2 tháng hoặc nhiều hơn.

Thực tế cho thấy, từ mạng xã hội, giới trẻ dễ dàng tiếp cận lượng thông tin khổng lồ. Tuy nhiên, nội dung họ tiếp cận thường không phù hợp với lứa tuổi hoặc không chính xác. Mạng xã hội có xu hướng đưa ra những tuyên bố mang tính chất khẳng định hoặc có rất ít bằng chứng khoa học để hỗ trợ trong việc chăm sóc da. Sự lan tỏa quá đà các thông tin này trên các nền tảng mạng xã hội khiến nỗi lo âu về tuổi tác và làn da ngày càng tăng.

Các thương hiệu và influencer tạo ra những vấn đề về da mà thế hệ Z không hề hay biết và hiểu rõ. Các influencer đã lợi dụng sự ngây thơ của thế hệ Z, phóng đại hiệu quả sản phẩm và bán các mặt hàng không cần thiết để giải quyết vấn đề mụn trứng cá, da dầu, dưỡng trắng hoặc đạt được làn da hoàn hảo. Nhiều influencer quảng bá những sản phẩm chống lão hóa để “giúp” người xem chống lại sự lão hóa dù khoảng một nửa lượng người xem thậm chí còn chưa đến tuổi trưởng thành.

Không phải sản phẩm nào cũng phù hợp với làn da, độ tuổi của bạn. Vì thế, hãy cẩn thận trước khi mua
Không phải sản phẩm nào cũng phù hợp với làn da, độ tuổi của bạn. Vì thế, hãy cẩn thận trước khi mua

Nhiều bạn trẻ, kể cả những người còn đang theo học bậc phổ thông, thậm chí THCS đã áp dụng chế độ chăm sóc da này. Hệ quả, làn da chưa kịp dậy thì đã đối mặt với hàng loạt tình trạng nghiêm trọng do thói quen chăm sóc da gây ra; nhẹ thì mụn dày đặc, nặng hơn là viêm hoặc phá hủy hàng rào bảo vệ da.

“Ngày càng nhiều người trẻ không nhận ra rằng việc làm sạch sâu và sử dụng quá nhiều a xít có thể làm hỏng hàng rào bảo vệ da, dẫn đến tình trạng da nhạy cảm, ngày càng mỏng đi. Retinol không cần thiết cho làn da ở độ tuổi thiếu niên. Lứa tuổi này chỉ nên tập trung vào kem chống nắng, dưỡng ẩm và làm sạch nhẹ nhàng” - Davy Huang - Giám đốc phát triển kinh doanh tại công ty điện tử Trung Quốc Azoya - cảnh báo.

Có sự pha trộn giữa thông tin sai lệch và sự thật về hiệu quả sử dụng của các sản phẩm làm đẹp trong các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội, từ TikTok, Instagram, Facebook cho đến các nền tảng nội địa Trung Quốc như Weibo, Douyin… “Các thương hiệu mỹ phẩm thường cường điệu hiệu quả, quảng cáo các thành phần không mang lại hiệu quả như đã cam kết và tuyên bố sử dụng một số thành phần ở nồng độ tối thiểu” - Huang cho biết.

Điều này thường xảy ra với các nhãn hiệu địa phương, các công ty có phòng thí nghiệm và chuỗi cung ứng riêng nhưng mua sản phẩm từ các công ty khác, sau đó dán nhãn thành thương hiệu riêng.
Mặt khác, việc “thần thánh hóa” công dụng của mỹ phẩm cùng tần số xuất hiện liên tục nhờ thuật toán của các nền tảng mạng xã hội còn làm tăng nhu cầu sở hữu của người dùng. Tình trạng mua vì thấy ưu đãi, vì liên tục nhìn thấy quảng cáo khiến túi tiền của lớp người tiêu dùng trẻ nhanh chóng khủng hoảng, dù thực tế họ không có nhu cầu sử dụng.

Lứa tuổi này chỉ nên tập trung vào kem chống nắng, dưỡng ẩm và làm sạch nhẹ nhàng
Lứa tuổi này chỉ nên tập trung vào kem chống nắng, dưỡng ẩm và làm sạch nhẹ nhàng

Làm thế nào để vượt qua áp lực skinfluencing?

Các influencer ngày càng “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội. Tiếng nói và sức ảnh hưởng của họ mang đến doanh thu cho các thương hiệu lớn hơn cả các kênh bán hàng truyền thống. Vì thế, phía thương hiệu và các influencer nhấn mạnh việc tạo dựng uy tín để xây dựng lòng tin nơi người tiêu dùng.

“Nhiều sản phẩm được tiếp thị không an toàn cho người trẻ. Những từ như tự nhiên, tinh khiết, hữu cơ và không chất bảo quản được sử dụng để tạo ra cảm giác an toàn giả tạo. Không ít thương hiệu sử dụng các thuật ngữ gây hiểu lầm nhưng các thương hiệu uy tín cần giành được lòng tin của người tiêu dùng để tạo nên một thị trường lành mạnh” - Sory Park - Trưởng dự án tại Daxue Consulting - lưu ý.

Một số nền tảng mạng xã hội nhận thấy mối nguy hại từ skinfluencing cũng bắt tay vào hành động nhằm kiểm soát, ngăn chặn các nội dung quảng bá gây hiểu lầm trước khi chúng lan rộng. Chẳng hạn, nền tảng Xiaohongshu của Trung Quốc đã sử dụng AI để phát hiện và xóa nội dung gây hiểu lầm. Dù vậy, thông tin sai lệch vẫn còn tràn lan, khó có thể kiểm soát hết. Do đó, người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ tiêu dùng trẻ tuổi, cần tỉnh táo hơn.

Nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc - Xiaohongshu (Tiểu hồng thư) - không chỉ tích cực dùng AI ngăn chặn các nội dung cường điệu, gây hiểu lầm trong làm đẹp mà còn phân loại mỹ phẩm tương ứng phù hợp với từng độ tuổi
Nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc - Xiaohongshu (Tiểu hồng thư) - không chỉ tích cực dùng AI ngăn chặn các nội dung cường điệu, gây hiểu lầm trong làm đẹp mà còn phân loại mỹ phẩm tương ứng phù hợp với từng độ tuổi

Khát khao đẹp hơn, tự tin hơn là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, để không sa vào bẫy của các influencer hoặc vượt qua áp lực skinfluencing, trước khi quyết định mua sản phẩm nào, hãy tự hỏi nó có thực sự phù hợp với bạn hay không. Sự phù hợp này bao gồm nhiều yếu tố: loại da, độ tuổi, nhu cầu sử dụng, kể cả chi phí...

Một lời khuyên hữu ích từ những người đã cắt được “cơn nghiện” mua sắm vô tội vạ trên các nền tảng thương mại điện tử hoặc mạng xã hội là hãy cho món mỹ phẩm vào giỏ hàng, sau đó thoát ra. Đợi vài hôm quay trở lại, lúc đó cảm xúc đã lắng xuống để lý trí lên tiếng, trả lời câu hỏi: “Nó có thực sự cần thiết?”.

Một lời khuyên khác từ các chuyên gia làm đẹp: trước khi mua một sản phẩm làm đẹp mới, bạn phải thử trên da để đo độ thích ứng, tình trạng kích ứng. Hãy sử dụng hết rồi mới mua thêm. Điều này giúp bạn vừa tiết kiệm vừa giảm bớt rác thải cũng như cho bạn thời gian để đánh giá xem sản phẩm có thực sự phù hợp.

Cuối cùng, khi mua, hãy chọn dung tích nhỏ và kiên trì sử dụng để xem hiệu quả. Tuy nhiên, nếu thấy kích ứng, dù là nhỏ nhất, hãy bỏ ngay và tìm đến chuyên gia da liễu.

“Hầu hết người tiêu dùng không thể phân biệt được thông tin chính xác, cuối cùng mua phải những sản phẩm không hiệu quả hoặc không cần thiết. Hiện tại, nhiều người bắt đầu có thói quen tìm đến các nguồn đáng tin cậy như bác sĩ da liễu để được tư vấn loại mỹ phẩm thực sự phù hợp với làn da của họ” - Huang nói.

Lê Phan

Nguồn ảnh: Internet

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Làm đẹp theo người có sức ảnh hưởng: Nhiều mối nguy tiềm ẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO