Dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 Âm lịch), ngày Thống nhất đất nước (30/4) và ngày Quốc tế Lao động (1/5) năm nay, chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở UBND TPHCM (quận 1) thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân thành phố.
Hoạt động giúp địa phương giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển, các khu di tích quốc gia nhằm xây dựng thương hiệu với du khách, tạo dựng hình ảnh một thành phố cởi mở, thân thiện.
Trước khi vào bên trong trụ sở UBND TP, khách quan tham phải đi qua cửa kiểm tra an ninh, soi chiếu các vật tư cá nhân. Balo, túi xách đều gửi lại bên ngoài trước khi tham quan khu vực tầng trệt.
Khu vực du khách được tham quan là một phần trụ sở UBND TPHCM (số 86, đường Lê Thánh Tôn, quận 1). Tại tầng trệt, du khách sẽ được chiêm ngưỡng sảnh chính, phòng tiếp khách quốc tế, khu cầu thang chính. Những khu vực được tham quan tại tầng 2 là sảnh chính, phòng tiếp khách quốc tế, phòng họp số 5, khu vực ban công.
Trong quá trình tham quan, du khách sẽ được nghe thuyết minh về lịch sử hình thành và phát triển của tòa nhà, tổng quan và điểm nhấn kiến trúc, thiết kế nghệ thuật, công năng, ý nghĩa của tòa nhà và từng phòng.
Trụ sở UBND thành phố là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng của TPHCM. Công trình được xây dựng năm 1889 và hoàn thành năm 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp.
Thời Pháp thuộc, trụ sở có tên Hôtel de ville hay còn gọi Dinh Xã Tây. Thiết kế mặt ngoài công trình kết hợp nhiều phong cách kiến trúc châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu kiến trúc Phục Hưng, trang trí phù điêu kiểu Baroque và Rococo, các cửa sắt kiểu Art Nouveau...
Phòng họp số 5 của trụ sở UBND TPHCM, nơi thường xuyên diễn ra các cuộc họp do lãnh đạo thành phố chủ trì.
Bà Lê Thị Hồng Thắm (quận Bình Thạnh) chia sẻ, dù sinh ra và lớn lên, gắn bó với TPHCM hơn 60 năm nay nhưng đây là lần đầu tiên bà có cơ hội chiêm ngưỡng kiến trúc bên trong một tòa nhà mang đậm dấu ấn lịch sử như trụ sở UBND TP.
"Tôi thấy rất tự hào về kiến trúc cũng như những giá trị văn hóa tại nơi đây. Tôi đã chụp lại rất nhiều ảnh lưu niệm để về nhà khoe với người thân nhằm lan tỏa niềm tự hào đó cũng như quảng bá hình ảnh đẹp của trụ sở", bà Thắm nói.
Nền phòng tiếp khách quốc tế của trụ sở UBND TPHCM được trải thảm đỏ, tường gỗ kèm các họa tiết, kết hợp hài hòa với nội thất tạo nên quang cảnh vừa trang trọng, vừa cổ điển.
Chị Trần Thị Thu Trang (quận Bình Thạnh) chia sẻ, chị thấy rất tự hào khi đến trụ sở UBDN TP lần đầu tiên và được chiêm ngưỡng những nét kiến trúc độc đáo tại đây. Chị kỳ vọng, thành phố sẽ tổ chức thêm nhiều chuyến tham quan trụ sở của các đơn vị khác để người dân có thể chiêm ngưỡng, học tập và nghiên cứu.
Các chi tiết trang trí được thực hiện với độ tinh xảo cao, ít có công trình nào sánh được về tính cầu kỳ, đa dạng bởi sự kết hợp giữa kiến trúc, điêu khắc và hội họa.
Trụ sở UBND TPHCM là công trình tiêu biểu về phong cách kiến trúc nghệ thuật đầu thế kỷ 20. Năm 2020, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận tòa nhà trụ sở UBND TPHCM là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Khu vực được công nhận là khối nhà chính trên đường Lê Thánh Tôn được xây dựng từ năm 1898 đến 1909, trừ khối nhà mới xây dựng trên nền chung cư 213 Đồng Khởi cũ.
Ước tính trong 2 ngày 29 và 30/4, trụ sở đón khoảng 1.500 khách. Đây là lần đầu tiên UBND TPHCM mở cửa đón khách tham quan. Mỗi chuyến tham quan kéo dài khoảng 60 phút. Khi kết thúc, khách sẽ được tặng kỷ niệm chương của thành phố.