5 điểm đặc sắc trong mô hình chuyển đổi số của Huế
Trong 3 ngày từ 17 - 19/8, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số tạo đà đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội”,
Tại phiên toàn thể ngày 18/8 của Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2022, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, với quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, tận dụng hiệu quả các cơ hội, công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đã được Thừa Thiên Huế xem là một trong những giải pháp đột phá để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu khai mạc. |
Với Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2022, ông Nguyễn Văn Phương cho biết, lần đầu tiên Huế đưa ra vấn đề chuyển đổi số công tác bảo tồn văn hóa, di sản để nâng tầm các giá trị văn hóa di sản, tạo ra những dịch vụ mới, các mô hình kinh tế mới cho địa phương.
Sự kiện cũng hướng đến công tác chuyển đổi số cho các cơ quan, doanh nghiệp một cách thực chất, hiệu quả với các chương trình tư vấn chuyển đổi số, chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm các giải pháp số.
“Chúng tôi cũng kỳ vọng qua Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2022, sẽ có được những tham vấn nhằm xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong giai đoạn mới cho tỉnh nói riêng và các địa phương nói chung, đồng thời mong muốn giới thiệu một điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư về CNTT triển khai các hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ.
Thừa Thiên Huế đang là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi số. Hàng loạt các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh năm 2021 của Huế đều nằm trong nhóm đầu của cả nước, tiêu biểu như chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh - PAPI xếp thứ nhất toàn quốc; chỉ số chuyển đổi số - DTI xếp thứ 2 toàn quốc; chỉ số cải cách hành chính - PAR Index xếp thứ 4 trong cả nước. Đặc biệt, nền tảng kết nối chính quyền với người dân Hue-S sau 3 năm triển khai đã có gần 900.000 tài khoản, 17 triệu lượt truy cập, gần như đã tiếp cận được với hầu hết công dân.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kêu gọi đội ngũ những người làm chuyển đổi số tham gia kênh truyền thông chuyển đổi số quốc gia trên Zalo. |
Phát biểu tại phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh, chuyển đổi số là một hành trình dài và trên hành trình đó, do công nghệ thay đổi liên tục, có nhiều sẽ chưa biết nên chúng ta cần cùng nhau trải nghiệm, khám phá, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện thành công cũng như cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm các nền tảng và giải pháp số. |
Với tỉnh Thừa Thiên Huế, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định tỉnh đã từng bước kiến tạo nên một mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Thứ trưởng chỉ ra 5 điểm đặc sắc trong mô hình chuyển đổi số của Thừa Thiên Huế, đó là: Duy trì được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số có triết lý xuyên suốt của riêng mình như “Bắt buộc trước, tự nguyện sau”, trong đó bắt buộc trước là điều kiện cần, và sau khi dùng người dân thấy lợi ích thì họ tự nguyện; chuyển đổi số đồng bộ và xuyên suốt ở cả 3 cấp chính quyền xã, huyện, tỉnh; cách tiếp cận 1 nền tảng do chính quyền quản lý nhưng sẵn sàng tích hợp đa ứng dụng, đa dịch vụ do nhiều doanh nghiệp, đối tác khác nhau cung cấp; phát triển được 1 Sở TT&TT mạnh để phối hợp với nhiều doanh nghiệp, đối tác quản lý hiệu quả nền tảng.
Thứ trưởng cũng mong muốn lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương sẽ dành thời gian chung tay cùng Bộ TT&TT sơ kết từ lý luận và thực tiễn, nhằm hình thành nên các mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh, huyện, xã để giữa các tỉnh, thành phố có thể tham khảo, áp dụng.
Hạ tầng dữ liệu sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế xã hội
Cũng tại phiên toàn thể, các diễn giả là lãnh đạo cơ quan quản lý, các chuyên gia chuyển đổi số cùng lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ lớn đã tập trung bàn thảo, chia sẻ, và tham vấn về 3 vấn đề: Kế hoạch chuyển đổi số Huế giai đoạn 2022 - 2025; phát triển các hạ tầng chuyển đổi số của Huế, đặc biệt là hạ tầng dữ liệu; các mô hình hợp tác hiệu quả giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Chuyên đề này hướng tới giúp cho các cấp, các ngành, không chỉ của Thừa Thiên Huế mà các địa phương tiếp cận được định hướng, chiến lược chuyển đổi số quốc gia, phương pháp chuyển đổi số địa phương phù hợp thực tiễn và theo tình hình mới, làm cơ sở hoạch định chính sách và kế hoạch chuyển đổi số các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian tới.
Theo thống kê, hiện Huế và các địa phương đều thiếu nền tảng dữ liệu tập trung; năng lực khai thác dữ liệu rất thấp, ở Huế chỉ được 5%, thiếu chuyên gia phân tích, khai phá dữ liệu; hoàn toàn chưa có chiến lược dữ liệu.
Các diễn giả đều thống nhất, để tạo đột phá, Thừa Thiên Huế cần đi đầu trong phát triển hạ tầng dữ liệu, bao gồm phát triển nền tảng thu thập, kết nối liên thông, chia sẻ, phân tích dữ liệu; hoàn thiện hệ thống chính sách trong việc hoạch định, chia sẻ dữ liệu - phá vỡ tình trạng cát cứ dữ liệu; phát triển con người - chuyên gia khai phá dữ liệu. Những đột phá, đi đầu về tư duy, hoạch định, quản lý, và chia sẻ dữ liệu, theo các chuyên gia, sẽ tạo ra sự đột phá chuyển đổi số, đột phá về phát triển kinh tế số, xã hội số cho địa phương.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và FPT ký kết hợp tác chuyển đổi số tổng thể toàn diện. |
Với mong muốn hợp lực đưa chuyển đổi số của Thừa Thiên Huế bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo thực chất và hiệu quả hơn, trong khuôn khổ Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2022, 10 biên bản hợp tác giữa các doanh nghiệp và các sở, ngành của tỉnh đã được ký kết. Cùng với đó, nền tảng 5G - MobiFone và nền tảng Huế-S thế hệ mới cũng được ra mắt. Đây đều là những công cụ quan trọng góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực.
Vân Anh