Thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên hội trường Quốc hội sáng 29/5, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) dẫn nhiều thông tin trong báo cáo của Chính phủ để phản ánh thực trạng giá vé máy bay tăng cao.
Cần tăng số lượng máy bay để hạ giá vé
Theo thống kê, số máy bay thương mại giảm mạnh, tính đến cuối tháng 3 còn khoảng 170 máy bay, đã giảm 40 máy bay và tương đương khoảng 20% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong nước tái cấu trúc khiến đường bay trong nước cắt giảm hoặc giảm tần suất.
Giá nhiên liệu tăng cao, theo đại biểu, cũng góp phần làm tăng giá vé máy bay, ảnh hưởng đến phát triển du lịch nội địa và nhu cầu đi lại của nhân dân.
Điều đại biểu Lưu Bá Mạc quan tâm, là báo cáo của Chính phủ chưa đề cập giải pháp với vấn đề trên.
Ông kiến nghị Chính phủ cân nhắc, có giải pháp để giảm giá vé máy bay nội địa, từ đó giảm chi phí đi lại cho người dân, thu hút thêm khách du lịch trong nước, quốc tế và kích cầu hoạt động du lịch, dịch vụ nội địa.
Góp ý giải pháp cụ thể, đại biểu Lưu Bá Mạc đề xuất một số giải pháp đã và đang được các nhà chuyên gia, các nhà quản lý quan tâm.
Trong đó, theo đại biểu tỉnh Lạng Sơn, cần có chính sách để hỗ trợ các hãng hàng không trong nước thông qua việc miễn, giảm thuế, phí có liên quan và giảm giá trong dịch vụ hàng không.
Đặc biệt, cần tăng số lượng máy bay, mở thêm các đường bay và đưa vào khai thác một số máy bay đang bị bỏ không.
Bên cạnh đó, theo ông Mạc, cần tăng năng lực điều hành, vận hành, khai thác tại các cảng hàng không. Ngoài ra, cần có giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng các nhiên liệu hoặc năng lượng thay thế để nhằm bảo vệ môi trường.
Vị đại biểu cũng lưu ý cần có biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hãng hàng không trong nước trước những hành vi không lành mạnh của công ty nước ngoài cho thuê và mua máy bay.
Cũng phản ánh tình trạng giá vé máy bay tăng cao, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc này ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân. Theo ông, hãng hàng không cho rằng lỗ có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc bị thu nhiều loại phí tại sân bay của Cục Hàng không. Ông đề nghị có câu trả lời của Bộ Giao thông vận tải về vấn đề này.
Đề nghị xây nhà ở xã hội ở những nơi khó thu hút đầu tư
Đánh giá chung về bức tranh kinh tế - xã hội, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) ghi nhận sự điều hành quyết liệt, linh hoạt sáng tạo, quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng cùng các bộ, ngành, địa phương trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ông Hải đánh giá cao khi năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, cả nước như một đại công trường khi đồng loạt khởi công nhiều tuyến đường cao tốc và các dự án quan trọng quốc gia.
"Đến nay, đã có trên 2.000km đường cao tốc đưa vào sử dụng, cử tri và nhân dân rất vui mừng, phấn khởi, đánh giá cao công tác chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương", ông Hải nói.
Quan tâm đến chính sách nhà ở xã hội, đại biểu tỉnh Thanh Hóa nêu nhiều bất cập, điển hình là việc giải ngân vốn vay gói tín dụng 120.000 tỷ rất khó khăn.
Chỉ ra nguyên nhân, ông Hải cho rằng do thủ tục pháp lý phức tạp, tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn vay còn khó khăn, vốn đầu tư lớn, lợi nhuận đầu tư từ xây dựng nhà ở xã hội không cao.
Trong khi đó, thời gian triển khai kéo dài, rủi ro trong đầu tư cũng nhiều nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư nhà ở xã hội.
Từ thực tế đã nêu, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về mặt thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc đầu tư nhà ở xã hội.
Ông cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để đầu tư nhà ở xã hội ở những địa phương ngoài các thành phố lớn, ở những nơi khó thu hút các nhà đầu tư.
"Sản phẩm nhà ở xã hội cũng nên linh hoạt, đa dạng các hình thức mua, thuê mua, thuê để phù hợp với nhu cầu, điều kiện, khả năng của người lao động có thu nhập thấp", ông Hải nêu quan điểm.