Theo phóng viên TTXVN tại Washington, IMF dự đoán tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Mỹ có thể lên đến mức kỷ lục 7,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm tới, gấp hơn 3 lần so với mức trung bình 2% của những nền kinh tế phát triển khác. IMF cũng nêu quan ngại về nợ công của Trung Quốc với mức thâm hụt kỷ lục 7,6% GDP trong năm 2025, gấp hơn 2 lần so với mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi là 3,7%, trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải đối mặt với nhu cầu thấp và khủng hoảng thị trường nhà ở. IMF cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc cần khẩn trương đưa ra những quyết sách để xử lý vấn đề mất cân bằng giữa chi tiêu và thu ngân sách. Hai nước khác được nêu tên cần thực hiện hành động như vậy là Anh và Italy.
IMF nhấn mạnh tình trạng thâm hụt ngân sách của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể “gây tác động sâu sắc đến kinh tế toàn cầu và gây ra rủi ro đáng kể đối với tính toán chi tiêu cơ bản của các nền kinh tế khác”. Trong báo cáo ngày 16/4 về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, nhà kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas cho rằng tình hình tài chính của Mỹ là “mối quan ngại đặc biệt”, có thể làm phức tạp thêm nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% GDP.
Gánh nặng nợ của Chính phủ Mỹ tạo ra nguy cơ ngắn hạn cho quá trình giảm lạm phát cũng như sự ổn định tài chính về dài hạn cho nền kinh tế toàn cầu. Nợ của Mỹ tăng cao do những khoản chi lớn trong các giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 và do chi phí đi vay tăng cao khi Fed - ngân hàng trung ương Mỹ - tìm cách kiềm chế lạm phát.
Việc chi phí đi vay tăng lên ở Mỹ sẽ dẫn đến tăng lợi tức trái phiếu chính phủ ở các nước và những biến động về tỷ giá ở những nước đang phát triển cũng như những thị trưởng mới nổi. Hiệu ứng lãi suất cao trên toàn cầu sẽ dẫn đến điều kiện tài chính ngặt nghèo hơn.
Không giống Mỹ, nợ công của Trung Quốc dường như là nợ trong nước. Do đó việc tăng tỷ lệ nợ lớn khó có khả năng gây ảnh hưởng lên các thị trường khác. Tuy nhiên, tăng trưởng chậm hơn dự kiến của Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến phần còn lại của thế giới thông qua giảm các hoạt động thương mại, đầu tư và tài trợ bên ngoài.