Mạng ảo, áp lực thật
"Có 80% số bình luận trên mạng xã hội không ủng hộ tôi. Họ không thích người này, người kia, nhưng tôi không quan tâm quá nhiều. Điều quan trọng nhất là vấn đề chuyên môn, sự thể hiện của cầu thủ" , huấn luyện viên Philippe Troussier chia sẻ trong buổi họp báo trước ngày lên đường sang Qatar.
Nhà cầm quân người Pháp không hề quá lời. Những ngày vừa qua, khi tuyển Việt Nam còn chưa ra sân thi đấu, nhiều cư dân mạng đã sớm nhắc về việc ông Troussier "sẽ thất bại", "mất việc" hoặc những lời lẽ khác không mấy tích cực.
Sau chuỗi trận không như ý vừa qua, những bình luận tiêu cực hay sự tấn công trên mạng là ảo, nhưng áp lực lại là thật.
Giữa thời đại công nghệ 4.0, bóng đá chịu ảnh hưởng từ công nghệ theo nhiều chiều hướng khác nhau. Các huấn luyện viên có nhiều công cụ hỗ trợ, dễ dàng tìm kiếm thông tin về đối thủ, liên lạc với đồng nghiệp, học trò.
Ngược lại, họ không thể né tránh việc đọc bình luận trên mạng xã hội, rồi tự mình… suy nghĩ.
Nhưng mạng xã hội cũng là tấm gương phản chiếu cho thành tích của bóng đá và một phần văn hoá ứng xử. Khi đội bóng có thành tích tốt, liên tục chiến thắng, huấn luyện viên và các cầu thủ được "đưa lên mây xanh". Khi kết quả không tốt, dĩ nhiên họ trở thành "miếng mồi" cho dư luận.
Các cầu thủ, huấn luyện viên bóng đá vụt sáng trở thành những ngôi sao không thể nói không có sự đóng góp của mạng xã hội. Nhưng việc ấy chỉ xảy ra khi họ có được kết quả ngoài mong đợi.
Ông Troussier và "cuộc chiến" với mạng xã hội
"Cuộc chiến" được nhắc đến ở đây chính xác là cuộc chiến nội tâm của huấn luyện viên Troussier. Ở tuổi thất thập của mình, cùng ngần ấy trải nghiệm với bóng đá đỉnh cao trên toàn thế giới, một quý ông lịch thiệp như huấn luyện viên Troussier sẽ chẳng dại gì tranh cãi trên mạng xã hội.
Có điều, ông sẽ làm gì với những chỉ trích nhắm vào mình, ít nhất là cho đến khi tuyển Việt Nam… thắng trận?
Nhiều người bảo rằng ông Troussier chẳng việc gì phải sử dụng mạng xã hội, cứ tắt đi là xong. Nhưng bản lĩnh của một huấn luyện viên bóng đá là điều ông Troussier sẵn có. Chiến lược gia này cứ đọc bình luận cũng được.
Ngẫm lại phát biểu của huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn: "Điều quan trọng đối với một huấn luyện viên là trong số những người chỉ trích ấy, bao nhiêu người hiểu về chuyên môn. Quan điểm của họ mới là những điều tôi cần bận tâm, suy nghĩ.
Người làm chuyên môn chỉ trích, tôi phải suy nghĩ. Khán giả bình thường thì khác, nhưng các nhà chuyên môn vẫn đưa ra quan điểm thì trước tiên tôi phải hiểu vị trí của họ là gì, bình luận trên góc độ nào, trình độ chuyên môn ra sao. Từ đó, tôi nhìn nhận vấn đề đa chiều. Bất kì lời khen ngợi hay chỉ trích nào cũng đều có mặt tốt".
Ông Tuấn từng sống trong ngàn vạn lời tung hô khi đưa U20 Việt Nam dự World Cup. Nhưng thất bại tại giải U18 châu Á 2019, hay mới nhất là ASIAD 19 khiến nhà cầm quân này hứng chịu làn sóng chỉ trích chưa từng có trong sự nghiệp.
Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng ông Hoàng Anh Tuấn hay ông Troussier đều có những sứ mệnh và đích đến riêng. Huấn luyện viên Troussier sẽ tiếp tục công việc và kiên nhẫn khi nào còn có thể. Biết đâu, 80% số bình luận chỉ trích ấy sẽ thay đổi sau Asian Cup 2023?