Hôm nay, Táo quân lên trời tâu chuyện thiện, ác nhân gian

Minh Châu| 02/02/2024 07:30

PGS.TS Bùi Xuân Đính cho rằng các yếu tố như Táo quân, Ngọc hoàng gắn với Đạo giáo xuất hiện ở nước ta khá muộn. Thực chất ngày 23 tháng Chạp là ngày cúng thần bếp liên quan đến tục thờ Mẫu, xuất hiện từ thời kỳ chế độ mẫu hệ, thời phụ nữ có vai trò lớn trong gia đình và xã hội và cả quan hệ hôn nhân.

Tết 23 tháng Chạp từ lâu được người ta gọi là Tết ông Công, ông Táo và giải thích ý nghĩa là ngày Táo quân cưỡi cá chép lên trời, báo cáo với Ngọc hoàng các công việc của gia đình trong cả năm và cả những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian, hoặc tất cả những việc tốt xấu, những việc đã làm được và chưa làm được ở hạ giới.

Theo học giả Phan Kế Bính (trong cuốn “Việt Nam phong tục”) ngày 23 tháng Chạp là Tết Táo quân, là ngày vua bếp lên chầu trời. Giải thích nguồn gốc của ngày này, ông dẫn hai điển cũ. Một là, nguyên trong Đạo Lão tử có nói rằng: ngày 23 tháng Chạp thì Táo quân lên chầu trời để tâu việc thiện ác của nhân gian.

Hai là có sách xưa nói rằng: Ngày xưa hai vợ chồng nghèo phải bỏ nhau. Người vợ về sau lấy được người chồng giàu có. Một hôm cúng đốt vàng mã ngoài sân, có một người vào xin ăn, người đàn bà trông thấy là người chồng cũ của mình, động lòng thương cảm, đem cơm gạo tiền bạc ra cho.

Người chồng sau biết chuyện nghi cho vợ. Vợ xấu hổ đâm vào đống lửa chết. Người chồng cũ cảm thấy ân nghĩa, cũng đâm vào lửa chết theo. Người chồng sau thương vợ, cũng nhảy vào nốt, thế là chết cháy cả ba. Thượng đế thương cho ba người cùng có nghĩa mới phong cho làm vua bếp.

Dựa vào hai điển này mà cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta mua hai mũ ông, một mũ bà để thờ và mua con cá chép để làm ngựa cho Táo quân lên trời.

Học giả Nguyễn Văn Huyên trong cuốn “Hội hè lễ Tết của người Việt” thì cho rằng Tết bắt đầu từ ngày cúng thần bếp – ngày 23 tháng Chạp. Hôm đó, Táo quân, thần trông coi đời sống gia đình mà ngài che chở, giám sát, lên trời để tâu trình tỉ mỉ với Ngọc hoàng về cách ăn ở của một gia đình trong năm qua.

Học giả Nguyễn Văn Huyên cũng cho biết thần Bếp, Táo quân thường hay bị lẫn với Thổ địa, là thần Đất trong nhà, do ý thức dân gian còn mơ hồ khi phân biệt. Thổ công thường được trình trên bàn thờ bằng một cặp vợ chồng, còn Táo quân là bộ ba gồm một thần nữ và hai thần nam kèm bên. Tuy nhiên, người ta thường công nhận Thổ công được gộp vào bộ ba đó, gồm Thổ kỳ, Thổ địa và Thổ công. Các vị này là hiện thân của ba hòn gạch xếp thành cái kiềng đun bếp.Hôm nay, Táo quân lên trời tâu chuyện thiện, ác nhân gian - 1

Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong cuốn “Tín ngưỡng Việt Nam” (bộ “Nếp cũ”) thì cho rằng ngày 23 tháng Chạp, Thổ Công (Táo quân) lên chầu Trời tâu mọi việc. Thổ công (Táo quân) là Thần đất và Thần bếp núc. Người Trung Hoa lập bàn thờ Táo quân sát đất và khi cúng vái thì rót rượu xuống sàn. Hàng ngày vào lúc chiêu mộ, họ đều thắp hương cúng Thổ công. Còn người Việt Nam lại cúng Thổ công vào ngày giỗ, Tết, sóc vọng.

Theo người Việt Nam thì tích Táo quân khác hẳn (trong sác nhà nghiên cứu Toan Anh đã dẫn Sự tích vua Bếp với ba nhân vật là Trọng Cao, Thị Nhi và Phạm Lang, cốt truyện cũng có kết cục gần tương tự như câu chuyện mà học giả Phan Kế Bính dẫn ở trên).

Ông cũng cho biết, Táo quân tức là vua bếp. Vua bếp có ba ngôi, gồm ba vị thần linh Thổ công trông nom việc bếp, Thổ địa trông coi việc nhà, Thổ kỳ trông coi việc chợ búa hoặc sinh sản mầu vật ở vườn đất. Bài vị của ba vị đề là: Đông trù tư mệnh – Táo phủ thần quân, Thổ địa – Long mạch tôn thần; Ngũ phương ngũ thổ - Phúc đức chính thần. Cũng có nhà thay bài vị trên thu gọn thành: Định phúc Táo quân. Tức ông Táo định phúc cho gia đình. Phúc đức này do sự ăn ở phải đạo của gia chủ và của người nhà.

Cũng liên quan đến nguồn gốc của Tết 23 tháng Chạp của người Việt trong cuốn “Bách khoa thư làng Việt cổ truyền”, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho rằng các yếu tố như Táo quân, Ngọc hoàng gắn với Đạo giáo xuất hiện ở nước ta khá muộn. Thực chất ngày 23 tháng Chạp là ngày cúng thần bếp liên quan đến tục thờ Mẫu, xuất hiện từ thời  kỳ chế độ mẫu hệ, thời phụ nữ có vai trò lớn trong gia đình và xã hội và cả quan hệ hôn nhân (lấy nhiều chồng / một bà hai ông) .

Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính thần bếp là vị thần cai quản các công việc bếp núc, không chỉ là cơm ăn hàng ngày mà còn là việc giữ hòa khí trong nhà, cả sự an toàn của ngôi nhà – cũng là của gia đình, liên quan đến củi lửa, đun nấu. Ngày 23 tháng Chạp là ngày tôn vinh lửa và phụ nữ - những người có công tìm ra lửa và giữ lửa (phụ nữ từ xa xưa đã đảm nhận thiên chức lo việc bếp núc, nội trợ cũng vì vậy mang sứ mệnh “giữ lửa” cho gia đình cả nghĩa đen lẫn bóng).

Cũng theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, tục cúng Thần bếp có từ xa xưa ở người Việt và nhiều tộc người dân tộc thiểu số trên đất nước ta trước khi có yếu tố văn hóa Hán xâm nhập.

Trước Công nguyên khoảng trên dưới 100 năm, Đạo giáo với quan niệm vũ trụ về Ngọc Hoàng và các thần (các Táo) mới vào Việt Nam, từ đó hình thành quan niệm ngày 23 Tháng Chạp, các Táo (trong đó có Táo trông coi việc bếp núc) cưỡi cá chép lên thiên đình tâu – cáo với Ngọc hoàng về công việc dưới trần gian trong năm.

Kèm theo quan niệm này là tục các gia đình mua bộ vàng mã “ông Công ông Táo” (một bà hai ông) để “hóa” và cá chép vàng để thả ra ao hồ sau lễ cúng, tượng trưng cho việc các Táo lên Trời tâu với Ngọc Hoàng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hôm nay, Táo quân lên trời tâu chuyện thiện, ác nhân gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO