Học theo mạng xã hội, rước họa vào thân

Lệ Hà| 03/02/2024 09:57

Mạng xã hội phát triển, tiktok thu hút hàng triệu người theo dõi. Bên cạnh một số nội dung thú vị, mạng xã hội, tiktok cũng đang có rất nhiều clip nội dung nhảm nhí, độc hại, đầu độc các bạn trẻ học theo gây hậu quả nặng nề.

Học theo mạng xã hội, rước họa vào thân
Xu hướng học theo mạng xã hội gia tăng ở giới trẻ. Ảnh: Thế Lâm

Nội dung ảo, hậu quả thật

Bác sĩ Bùi Hoàng Thảo, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu - Đơn nguyên nam học, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) - cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu trường hợp thanh niên 17 tuổi nhét 1 đoạn dây điện to và loằng ngoằng qua đường niệu đạo vào tận bàng quang chỉ để quay clip bán lấy 500.000 đồng cho một người lạ trên mạng xã hội.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hoang mang, lo sợ, đi tiểu ra máu. Chụp cắt lớp phát hiện dị vật nhỏ, dài trong bàng quang.

Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó bệnh nhân xem một bài đăng, kèm clip trong hội nhóm trên mạng xã hội đưa ra thử thách người xem đút dây điện qua đường niệu đạo. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi, phẫu thuật gắp dị vật cho bệnh nhân.

Bác sĩ Bùi Hoàng Thảo cho biết, trong vòng 2 ngày, khoa Ngoại Tiết niệu tiếp nhận đến 2 trường hợp nhét dị vật vào niệu đạo. Dị vật mắc ở niệu đạo sẽ dẫn đến bí tiểu, nước tiểu không thoát ra ngoài được gây vỡ bàng quang, nguy hiểm đến tính mạng.

Ngày 12.1 vừa qua, khoa Ngoại Tiết niệu - Bệnh viện Quân Y 175 (TP Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận một nam sinh của trường THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhét dị vật dài 60cm vào niệu đạo.

Qua tìm hiểu, trước khi nhập viện, bệnh nhân đã có khoảng 3 đến 4 tháng xem phim, kèm theo đó là tìm dụng cụ phù hợp. Bệnh nhân đã tự nhét dị vật vào trong lần thủ dâm và không may đã bị tuột vào niệu đạo - bàng quang, không thể tự lấy ra được.

Dựa trên hình ảnh chụp X-quang và bơm gel bôi trơn vào trong bàng quang nên sau 5 phút, các bác sĩ đã lấy ra được một sợi dây kim loại dài 60cm.

Sau khi được thăm khám, các bác sĩ xác định, nam sinh trên bị triệu chứng của loạn dục thuần túy do tác động phim ảnh, chưa có những dấu hiệu của bệnh lý tâm thần kinh.

Trước đó, các bác sĩ khoa ngoại thận tiết niệu, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cũng lấy ra đoạn dây tai nghe điện thoại dài 20cm trong bàng quang của một nam thanh niên. Bệnh nhân 25 tuổi này thừa nhận, chính mình tự nhét đoạn dây vào niệu đạo.

Đầu độc người xem

Bác sĩ Bùi Hoàng Thảo cảnh báo: Đây là một "thử thách khủng khiếp", có thể dẫn đến hàng loạt nguy cơ cho người thực hiện, thậm chí là tử vong.

Người dân không nên tìm hiểu, đọc những thông tin trên mạng internet, xem phim nhạy cảm rồi bắt chước, tự mua thuốc uống theo quảng cáo… bởi đó là những thông tin, hình ảnh không đầy đủ, chính xác, không dựa trên cơ sở khoa học, chưa nói đến việc phục vụ cho những mục đích kinh doanh khác của cá nhân hoặc cơ sở nào đó.

Theo bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc - Phó phòng sử dụng chất và y học hành vi - Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), khi trẻ sử dụng internet không với mục đích học tập hoặc làm việc từ 1-2 tiếng, hoặc trên 4 tiếng một ngày, kèm theo các biểu hiện như tăng thời gian sử dụng, giảm sút hứng thú với các hoạt động khác, phản ứng mạnh mẽ khi bị hạn chế thời gian sử dụng… cha mẹ cần nghĩ đến khả năng trẻ nghiện internet.

Đối với trẻ em, có thể ảnh hưởng đến sự tò mò và động lực học tập, ngăn cản sự phát triển của các kỹ năng suy luận, phân tích phê phán, phản ánh và kỹ năng viết.

"Ở độ tuổi này, do sự phát triển tâm sinh lý, trẻ muốn trở thành người lớn, muốn được tôn trọng nhưng ở một số gia đình, bố mẹ lại giáo dục con cái bằng roi vọt hay áp đặt. Điều đó khiến trẻ cảm thấy cô đơn, bất mãn, chán nản và tìm tới mạng xã hội như một cách thể hiện bản thân và cảm xúc. Ngoài ra, mạng xã hội có nhiều cái không thật tạo cảm giác thoải mái, giúp người chơi quên đi những trải nghiệm khó chịu ngoài đời" - bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc nói.Việc dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại, mạng xã hội sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng xử lý của mạng lưới thần kinh nhận thức và cảm xúc, khiến tâm trạng bất an, lo lắng gia tăng. Bệnh nhân thường thiếu kiềm chế, giảm nhận thức, bất mãn với cuộc sống… lâu dần sẽ sinh ra bệnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Học theo mạng xã hội, rước họa vào thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO