Học giả Australia: Châu Á trở thành 'đầu tàu' cải cách thương mại toàn cầu

Dương Anh| 03/08/2021 15:32

Baoquocte.vn. Học giả Jake Read* trong bài viết trên trang East Asia Forum nhận định, châu Á sẽ đi đầu trong công cuộc cải cách hệ thống thương mại toàn cầu.

Học giả Australia: Châu Á là 'kim chỉ nam' cho cải cách thương mại toàn cầu
Hình ảnh container tại cảng biển thương mại Singapore về đêm. (Nguồn: Getty Images)

Nhu cầu cải cách thương mại nổi lên

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Cornwall (Anh) hồi tháng 6 vừa qua, các bên tham dự đã nhận ra sự cần thiết phải bảo vệ và hiện đại hóa hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, đồng thời nhất trí ủng hộ nhu cầu cấp bách phải cải cách thương mại một cách toàn diện.

Các nước tham dự thừa nhận rằng, hệ thống quy tắc thương mại đã lỗi thời từ lâu, do đó, cần cải cách hệ thống thương mại thế giới.

Khi nhấn mạnh các vấn đề đang nổi lên liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Mỹ hồi năm 2016 đã khởi động một nỗ lực ngầm nhằm cản trở việc thay thế các thẩm phán sắp đến tuổi nghỉ hưu của Cơ quan Phúc thẩm thuộc WTO. Nỗ lực cản trở này vẫn tiếp tục tới ngày nay.

Tính minh bạch trong WTO cũng giảm đi do các quốc gia thành viên bỏ qua các nghĩa vụ báo cáo với WTO và lạm dụng các điều khoản quy định về “đối xử đặc biệt và khác biệt”.

WTO cũng bị chỉ trích vì thiếu năng lực giải quyết các hoạt động trợ cấp làm bóp méo thị trường, quyền sở hữu nhà nước và các biện pháp can thiệp ở nhiều nền kinh tế.

Những thất bại mang tính hệ thống này và nhiều vấn đề khác đã làm xói mòn lòng tin đối với WTO.

Trong khi đó, vai trò của hệ thống thương mại toàn cầu là một công cụ tiềm năng để đối phó với những thách thức toàn cầu như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và nền kinh tế kỹ thuật số lâu nay vẫn bị bỏ qua.

Những hạn chế thương mại đối với nguồn cung cấp vaccine và thiết bị y tế sẽ khiến nhiều người phải trả giá bằng mạng sống.

Các quy định quốc gia không nhất quán về hoạt động kỹ thuật số xuyên biên giới đang cản trở cạnh tranh, năng suất và đổi mới trong lĩnh vực đang phát triển nhanh nhất của nền kinh tế toàn cầu.

Những vấn đề và lỗ hổng trong các quy tắc thương mại nói trên cần được lấp đầy thông qua việc củng cố hệ thống và xây dựng quy tắc.

Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là xây dựng một chiến lược cải cách cho WTO và đàm phán phương thức để khôi phục niềm tin của các quốc gia đối với hệ thống này.

Một khía cạnh quan trọng trong chiến lược cải cách WTO là việc duy trì các chức năng chính đã được thiết lập của tổ chức này và bảo vệ khả năng thực thi các quy tắc đa phương.

Một phương diện khác là hiện đại hóa khuôn khổ luật lệ của WTO để đảm bảo duy trì được mức độ phù hợp của khuôn khổ này.

Gánh nặng đặt trên vai các nước

Tuy nhiên, chỉ riêng nhóm G7 không thể cung cấp đủ động lực cần thiết cho một cam kết rộng lớn như vậy, và cũng không chắc G7 có thể thực hiện được cam kết này.

Thông cáo gần đây của G7 đã đặt trách nhiệm đó lên "vai" Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) dưới sự chủ trì của Indonesia dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2022.

Lợi ích của Indonesia nói riêng và của các nước châu Á khác nói chung sẽ mang tính quyết định đối với bất kỳ chiến lược cải cách nào của WTO.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka năm 2019, Indonesia đã phát đi tín hiệu sẵn sàng đóng vai trò dẫn dắt trong nhóm G20, thúc đẩy sự cần thiết phải triển khai biện pháp cải cách hệ thống thương mại ở cấp độ cao.

Khi thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra, các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương nhận ra rằng, thương mại cởi mở, dựa trên quy tắc phải là động lực chính đối với an ninh quốc tế và phục hồi toàn cầu.

Việc các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - bao gồm cả Indonesia - khởi xướng và thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã phát đi tín hiệu cấp khu vực về cam kết hợp tác kinh tế toàn diện.

RCEP được ký kết giữa lúc đại dịch chưa có hồi kết là sự thừa nhận rằng, khó khăn kinh tế sẽ kéo dài nếu không có hợp tác thương mại.

RCEP cũng là sự "tập dượt" quan trọng cho chủ nghĩa đa phương khi các thỏa thuận thương mại không bị ràng buộc bởi nhu cầu về sự đồng thuận đầy đủ của WTO và vẫn để ngỏ cánh cửa cho những thành viên mới.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden vẫn tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn đối với những tranh cãi lâu nay về những hoạt động và chính sách thương mại không công bằng, đặc biệt liên quan đến Trung Quốc.

Tuy nhiên, Washington đã đưa ra cam kết mới với chủ nghĩa đa phương và thể hiện sự quan tâm đến việc cải cách thương mại toàn diện tại G7.

Cam kết của chính quyền Tổng thống Biden trong việc hợp tác với các nước khác để cải cách hệ thống thương mại toàn cầu đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy cải cách ở mức độ sâu rộng hơn.

Trong "nguy" vẫn có "cơ"

Các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương vừa có tham vọng, vừa có động cơ trong việc thúc đẩy sự hồi sinh của hệ thống thương mại toàn cầu.

15 quốc gia trong nhóm RCEP, bao gồm 5 thành viên G20, chiếm hơn 30% cả GDP và thương mại toàn cầu gộp lại.

Khu vực này đã trở thành một trọng điểm kinh tế toàn cầu nhờ hội nhập quốc tế theo trật tự thương mại đa phương và các chính sách tự do hóa kinh tế. Đây cũng là nơi cung cấp nhiều giải pháp sáng tạo cho các vấn đề thương mại quốc tế.

Các cuộc đàm phán hiện đang được tiến hành giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương để gỡ bỏ các hạn chế thương mại đối với vaccine và hàng hóa liên quan tới y tế. Việc cắt giảm thuế quan trong khu vực đối với 54 dòng hàng hóa liên quan lĩnh vực môi trường đã được thực hiện thông qua cơ chế APEC vào năm 2016.

Khu vực này cũng đã chứng kiến những thỏa thuận mang tính đột phá trong việc thiết lập các quy tắc kinh tế kỹ thuật số quốc tế giữa các quốc gia như Singapore, Australia và New Zealand.

Khi tận dụng những lợi thế mà những hoạt động trên đem lại, G20 có thể thiết lập một nhóm đặc trách về cải cách hệ thống thương mại toàn cầu và nhóm này có thể sẽ giúp thiết lập các định hướng chiến lược trong các vấn đề cấu trúc và thể chế.

Nhóm đặc biệt này sẽ cần thúc đẩy một chiến lược cải cách mà các thành viên G20 và rộng hơn là các thành viên WTO có thể tán thành.

Việc thành lập và thúc đẩy hoạt động của một nhóm đặc trách nói trên sẽ đánh dấu cam kết ở cấp cao trong việc giải quyết các vấn đề như quá trình giải quyết tranh chấp bị cản trở và sự suy giảm tính minh bạch của hệ thống thương mại toàn cầu.

Nhóm đặc trách này cũng có thể giúp đặt ra tham vọng giải quyết những thách thức toàn cầu bao gồm chuỗi cung ứng y tế, thương mại hàng hóa liên quan lĩnh vực môi trường và thương mại điện tử xuyên biên giới.

Các quốc gia và liên minh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ cần phải thúc đẩy và đưa ra các giải pháp thiết thực như những giải pháp đã nêu để thúc đẩy cải cách toàn diện hệ thống thương mại toàn cầu trong tương lai.


*Jake Read là trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế châu Á thuộc trường Chính sách Công Crawford, Đại học Quốc gia Australia. Bài báo này được rút gọn từ báo cáo gần đây của tác giả về châu Á và chiến lược thương mại đa phương toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đông Á.

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/hoc-gia-australia-chau-a-tro-thanh-dau-tau-cai-cach-thuong-mai-toan-cau-153539.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/hoc-gia-australia-chau-a-tro-thanh-dau-tau-cai-cach-thuong-mai-toan-cau-153539.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Học giả Australia: Châu Á trở thành 'đầu tàu' cải cách thương mại toàn cầu
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO