Nhà báo Lê Văn Chương nhận giải Nhì Giải thưởng Thông tin đối ngoại lần thứ VII năm 2021 với loạt bài “Nơi hải chiến Hoàng Sa, bây giờ” đăng trên báo Tiền Phong. ảnh: Mạnh Thắng
“Hãy xách ba lô và lên tàu. Hãy thử một chuyến ra một nơi mà thế hệ ông bà gọi là đi Cát Vàng. Trải nghiệm đó trở thành ký ức cả đời khó quên”. Đó là một trong những lời chia sẻ với tác giả hướng về thế hệ trẻ ở thành phố Đà Nẵng nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung. Vì quần đảo Hoàng Sa hiện nay là một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc thành phố Đà Nẵng, là mảnh đất máu thịt của Tổ quốc Việt Nam không thể chia lìa.
Tập 1 của tuyển tập Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa có tựa đề “Quê hương Hải đội Hoàng Sa”, viết về những làng biển truyền thống ở Quảng Ngãi được NXB Trẻ xuất bản từ năm 2013; tập 2 là “Những ngư dân Hoàng Sa kiên cường”, viết về những con tàu nhỏ bé của ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng dám đương đầu với tàu tuần tra ở Hoàng Sa, xuất bản năm 2015. Và tập 3 là “Đừng bỏ chạy khi thấy tàu Hải giám”, vừa ra mắt bạn đọc.
Là người từng nhiều lần theo tàu cá của bà con ngư dân đến các khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa, nói về chuyện “đừng bỏ chạy…”, tác giả mô tả về cảnh chiếc tàu vỏ gỗ nhỏ bé của bà con ngư dân Quảng Ngãi chạm mặt con tàu tuần tra khổng lồ của Trung Quốc nhưng các ngư dân vẫn cho con tàu đủng đỉnh, không xịt khói gầm gào máy. Tác giả viết: “Đứng im, không chạy. Đứng im là một sự thách thức, là thông điệp không sợ sệt, không khuất phục trước vũ lực và súng đạn. Tôi hiểu, lúc đó nếu thuyền đánh cá bỏ chạy vì sợ hãi thì sẽ bị con tàu chiến này ập đến bắt ngay. Ngờ vực vốn là tâm lý của một người nào đó nắm trong tay những thứ vốn không phải của mình”.
Thông điệp trong tập 3 này, đó là: Ngư dân cả nước hãy ra bám biển Hoàng Sa để góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Kèm theo đó là sự chỉ dẫn, chia sẻ, đúc kết để bà con ngư dân thấy được sự phong phú của ngư trường Hoàng Sa, tinh thần bám biển của bà con ngư dân, xác suất rủi ro khi tới vùng biển “nóng”,...
Tập 3 trong bộ sách chuyên đề về Hoàng Sa của tác giả Lê Văn Chương do NXB Trẻ vừa ấn hành Ảnh: T.Q
Cuốn sách cũng tạo cảm hứng cho thế hệ thanh niên trong tương lai hãy một lần trải nghiệm lênh đênh trên biển, mạnh dạn có mặt trên tàu đánh cá để ra thăm vùng biển Hoàng Sa. Việc ra Hoàng Sa không phải là chuyến đi gặp quá nhiều rủi ro, nguy hiểm như mọi người thường suy nghĩ.
Tác giả cũng đưa ra lời khuyên đối với bà con ngư dân Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu… cần có các phương pháp bảo vệ nhau ra sao khi tiến sâu vào vùng biển nóng và tới cách các đảo nổi dưới 10 hải lý. Tác giả cũng liệt kê, phân tích cách thức thoát hiểm để thanh niên trẻ có máu khám phá, mạo hiểm sẽ luôn bình tĩnh đối mặt, kể cả những tình huống xấu nhất.
Cốt lõi của tập 3 cuốn sách này được tác giả dựa trên hai đề tài nghiên cứu về biển Đông đã được Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao trao giải xuất sắc và đặc biệt xuất sắc. Những gì trong cuốn sách được tác giả ví như “đỉnh Everest trên biển Đông” và người trẻ đến ngày nào hãy nghĩ tới việc đặt chân lên “đỉnh”. Vì “con người sinh ra không phải để rồi sẽ biến đi như một hột cát vô danh, hãy sống hết mình và lưu lại dấu ấn cho thế hệ mai sau”.
Cuốn sách dày 288 trang, được chia làm 7 phần, phần 1 có tựa đề là “Luyện ý chí thép”. Là một nhà báo từng trải, vì vậy tác giả luôn coi trọng yếu tố tinh thần vững chắc thì mới có thể bước chân lên những chiếc tàu đánh cá nhỏ bé để đồng hành cùng ngư dân ra khơi, đến với Hoàng Sa. Tác giả cũng nhấn mạnh rằng, “Hoàng Sa bây giờ gần lắm, ngủ một giấc và mở mắt là đã thấy đảo, vì tàu cá ngày càng hiện đại, chạy tốc độ cao, vì vậy Hoàng Sa ngày càng gần lại”.