Sông Đà đoạn thủy điện luôn đẹp lung linh, thu hút nhiều du khách. Ảnh: Hồng Duyên.
Lễ hội và hội chợ sẽ có nhiều nội dung hấp dẫn, như: Lễ Cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà (26/10); hội nghị chuyên đề ngành thủy sản toàn quốc với chủ đề "Phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa” (27/10); chương trình khai mạc lễ hội (27/10); giải thi câu thể thao trên lòng hồ Hòa Bình gắn với quảng bá nét văn hóa và giới thiệu cảnh quan du lịch Hòa Bình (28/10); thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hồ chứa thủy điện Hòa Bình (30/10); tọa đàm khuyến nông chuyên ngành thủy sản chủ đề "Giải pháp bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà” (31/10).
Lễ hội và hội chợ được tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất ngành thủy sản và các sản phẩm từ cá, tôm sông Đà. Đây cũng là dịp để đẩy mạnh quảng bá, khẳng định thương hiệu có bản quyền gắn với sản phẩm nông nghiệp là quyền chủ sở hữu hai nhãn hiệu đặc sản "Tôm sông Đà Hòa Bình” và "Cá sông Đà Hòa Bình”.
Hội tụ đầy đủ các yếu tố: tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền văn hoá đậm đà bản sắc gắn với "miền đất sử thi”, vị trí địa lý gần Hà Nội, Hoà Bình là một trong những điểm đến thu hút đông khách du lịch trong nước, quốc tế.
Hồ Hoà Bình có cảnh quan "sơn thuỷ hữu tình”, được tạo bởi thế núi, thế sông, hàng trăm hòn đảo lớn, nhỏ cùng hệ thống hang động với vô vàn khối nhũ màu sắc. Hành trình trải nghiệm của du khách sẽ được nối dài với tour khám phá hồ Hoà Bình và các điểm đến Đền chúa Thác Bờ; đảo Dừa, Mai Châu Hideaway, Ba Khan Village Resort…
Các bản du lịch cộng đồng: Đá Bia - xã Tiền Phong, Ké - xã Hiền Lương, Sưng - xã Cao Sơn (Đà Bắc), Ngòi - xã Suối Hoa (Tân Lạc), Mỗ - xã Bình Thanh, Tiện - xã Thung Nai (Cao Phong)… đều nằm trong khu vực hồ Hòa Bình nên rất thuận lợi cho các hoạt động tham quan, trải nghiệm của du khách, như: câu cá, bơi, chèo bè mảng, chèo thuyền kayak, tham quan công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình, thăm các lồng nuôi cá đặc sản trên lòng hồ…