Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, liên minh tình báo trong thời chiến giữa Liên Xô và Mỹ đã nhanh chóng chuyển sang thế đối nghịch. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ngay lập tức đã cử hơn 250 nhân viên tới do thám các địa điểm đóng quân, di chuyển, vị trí phòng thủ, kho đạn và khu vực huấn luyện của Hồng quân Liên Xô ngay trên địa bàn nước Đức. Liên Xô cũng nhanh chóng đưa người đột nhập các đại sứ quán, các cơ quan nhà nước, quân đội, đảng phái chính trị ở Đức và cuối cùng là NATO.
Đó chính là khởi đầu cho “cuộc so găng tình báo” trong Chiến tranh Lạnh với những khác biệt lớn so với hoạt động tình báo trong chiến tranh thông thường. Hơn 40 năm Chiến tranh Lạnh đã cho ra đời những câu chuyện tình báo từ khôn đến dại, mà ở đó đôi khi cả hai bên chỉ mải miết đánh cắp của nhau những thứ chỉ đáng cho vào sọt rác, nhưng cũng có những câu chuyện và điệp viên đáng giá hàng tỷ USD.
Điệp viên tỷ đô đã biến mất
Trong suốt những năm Chiến tranh Lạnh, Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) và CIA thường xuyên có những hoạt động gián điệp tại ngay thủ đô của mỗi nước. Đại sứ quán của nước này ở nước kia là tâm điểm của mọi hoạt động tình báo cũng như hoạt động phản gián của cả hai bên. Với hoạt động phản gián gắt gao, hai bên đều gặp khó khăn trong tuyển người, thiết lập lưới điệp báo và duy trì hoạt động. Đó cũng là lý do số điệp viên được tuyển của CIA tại Moscow là không đáng kể so với ở các địa bàn khác trên khắp châu Âu và rất hiếm hoi CIA mới có được một vài điệp viên thành công từ thành phố này. Trên thực tế, CIA chưa bao giờ thực sự có được một mạng lưới các điệp viên đủ rộng hoạt động ở Moscow. Những điệp viên được CIA tuyển ngoài Liên Xô khi về nước vẫn có thể tiếp tục gửi tin tức tình báo cho CIA, nhưng cụm tình báo Moscow về cơ bản rất ít khi tuyển được điệp viên tham gia hoạt động gián điệp tại chỗ.
Adolf Tolkachev trong Chiến tranh Lạnh đã phá hoại Liên Xô bằng cách ăn cắp tài liệu mật về vũ khí, khí tài quân sự do Liên Xô đang phát triển và chuyển chúng cho CIA. Ảnh: Washington Post |
Vậy mà mới chỉ sau một thời gian ngắn tiếp xúc với CIA, Adolf Tolkachev, một kỹ sư radar tại Phazotron (nhà phát triển radar quân sự lớn của Liên Xô), điệp viên thành công và có giá nhất CIA từng có trong lòng Liên Xô trong hai thập kỷ trong Chiến tranh Lạnh đã biến mất, không một dấu vết. Cuối thu năm 1982, CIA mất liên lạc với Adolf Tolkachev. Liên tiếp 5 cuộc hẹn theo lịch đã trôi qua mà không thành công. Nhiều tháng tiếp tục trôi qua. Tháng 10 năm đó, một nỗ lực đến điểm hẹn với điệp viên này cũng đã thất bại do sự theo sát của KGB. Thậm chí ngay cả các đặc vụ có “bình phong” tốt nhất của cụm tình báo Moscow của CIA, cũng không thể làm gì được hơn. Ngày 24-11, một đặc vụ chưa bị lộ thân phận đã giả trang nhẹ và tìm cách gọi điện tới căn hộ của Tolkachev từ cột điện thoại công cộng, nhưng trả lời điện thoại là một người khác. Viên đặc vụ cúp máy.
Tối ngày 7-12-1982 là lịch cuộc hẹn tiếp theo và tương lai của hoạt động ngầm tại Moscow được đặt cả vào tay Bill Plunkert. Sau thời gian phục vụ trong lực lượng hải quân với vai trò hoa tiêu, Plankert gia nhập CIA và được đào tạo trở thành một đặc vụ. Ở độ tuổi ngoài 30, Plunkert tới cụm tình báo Moscow vào mùa hè năm 1982. Khi nghiên cứu tài liệu, bản đồ, ảnh, đọc các bức điện tín và thảo luận cùng các nhân viên nghiệp vụ, Plunkert có cảm giác mình đã biết Adolf Tolkachev, dù chưa hề gặp mặt trực tiếp. Nhiệm vụ của Plunkert là kết nối lại với điệp viên đang mất dấu này.
Vài ngày trước đó, qua đường dây điện thoại mà họ biết rõ là đang bị KGB kiểm soát, các nhân viên ngoại giao đại sứ quán thông báo tổ chức một bữa tiệc mừng sinh nhật tại một căn hộ vào tối ngày 7-12. Quãng giờ cơm tối ngày 7-12, bốn người bước tới chiếc xe đang đỗ trong khuôn viên Đại sứ quán Mỹ. Một người trong số họ mang theo chiếc bánh sinh nhật. Lái xe là Cụm trưởng cụm tình báo CIA tại Moscow. Plunkert ngồi ở ghế hành khách kế bên. Phu nhân của hai người mặc đồ đen ngồi ở ghế sau. Khi chiếc xe rời đại sứ quán, người phụ nữ ngồi sau ghế lái đặt chiếc bánh lên đùi. Cả bốn người trước đó đã tập luyện kỹ lưỡng tình huống này và giờ là lúc họ thực hiện trên thực tế.
Nghệ thuật biến hình
Tình báo là nghệ thuật biến hình và tối nay Plunkert là nhà ảo thuật. Bên trong bộ y phục anh ta đang mặc là một bộ y phục khác mà những ông lão người Nga thường dùng. Chiếc bánh sinh nhật kỳ thực là một thiết bị ngụy trang do các “phù thủy” của CIA chế tạo. Thiết bị đó có tên gọi là “Jack-in-the-Box” (chiếc hộp thần kỳ). Chiếc hộp sẽ được sử dụng khi xe chở đặc vụ qua một góc cua, tạm thời biến mất khỏi tầm nhìn của đội theo dõi (nếu có) trong vài giây. Trong khoảnh khắc rất ngắn đó, viên đặc vụ nhanh chóng nhảy ra khỏi xe. Cùng lúc đó, “chiếc hộp thần kỳ” sẽ được mở ra. Từ trong đó bật lên một hình nộm giống hệt phần trên của viên đặc vụ vừa rời xe.
Đại sứ quán Mỹ tại Moscow thập niên 1980. Ảnh: Sputnik |
Trong khi chiếc xe đi lòng vòng trên đường phố Moscow, Plunkert cởi bỏ bộ quần áo người Mỹ thường dùng của mình. Với chiếc mặt nạ da người kín mặt và cặp kính, Plunkert giờ đây trông giống một ông già người Nga.
Lúc đó là quãng 7 giờ tối, bóng đêm đã bao trùm. Chiếc xe vòng qua một góc cua. Ngay khi qua góc cua, viên cụm trưởng tình báo dùng phanh tay cho xe chạy chậm lại để đèn phanh không bật lên. Plunkert mở nhanh cửa xe, nhảy ra ngoài. Cùng lúc đó, vợ viên cụm trưởng đặt “chiếc bánh” lên ghế hành khách phía trước, nơi Plunkert vừa ngồi, với tay bật lẫy trên “chiếc bánh”. Từ chiếc bánh bật lên một hình nộm phần trên giống hệt Plunkert. Chiếc xe tăng tốc. Bên ngoài, Plunkert đã đi được 4 bước.
Dưới ánh đèn pha của chiếc xe phía sau, Plunkert giờ đây hiện lên với hình dáng của một ông già người Nga đang đi bộ trên vỉa hè. Chiếc xe phía sau tăng tốc. Vậy là không có ai bám theo. Plunkert thấy như trút được gánh nặng, nhưng một vài giờ tới mới là những gì đòi hỏi nhiều nhất ở anh ta. Điệp viên mà Plunkert đang cố tìm cách liên lạc đặc biệt có giá trị và Plunkert đang mang trên vai một trọng trách. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến đường dây hoạt động đổ bể mãi mãi.
(còn nữa)