Trước thông tin công trình thủy lợi đầu tư chục tỷ đồng nhưng bỏ hoang lãng phí gây xôn xao dư luận, chiều 8/9, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Bình Thuận có báo cáo gửi Sở Thông tin Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận.
Trong báo cáo, công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Bình Thuận khẳng định hồ Biển Lạc trước đây và đến thời điểm hiện nay vẫn là hồ tự nhiên, có diện tích lưu vực 205km2; mùa khô diện tích ngập ứng với mực nước thấp nhất hơn 430ha, mùa lũ ngập hơn 1.600ha.
"Đây là hồ tự nhiên, chưa phải là hồ thủy lợi nên phần diện tích trong hồ không do công ty quản lý, mà chỉ quản lý công trình cầu giao thông kết hợp cống điều tiết lũ Lăng Quăng trên tuyến đường ĐT710 đã được đầu tư", báo cáo nêu rõ.
Công ty này cũng cho biết dự án công trình Cầu giao thông kết hợp cống điều tiết lũ Lăng Quăng trên tuyến đường ĐT710, huyện Tánh Linh được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 5/2002. Công trình có nhiệm vụ đảm bảo giao thông và điều tiết lũ, với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng.
Về giải pháp công trình, trước mắt công trình vừa đảm bảo giao thông, vừa đảm bảo thoát lũ suối Lăng Quăng và đồng thời ngăn lũ ngoài sông La Ngà khi mực nước lũ ngoài sông dâng cao.
Về lâu dài, các hạng mục công trình đã được xây dựng phù hợp với Quy hoạch phát triển thủy lợi cho khu vực phía Nam tỉnh như hiện nay các hệ thống công trình đang triển khai.
Với nhiệm vụ nêu trên, công trình đã đảm bảo hiệu quả đầu tư, đã đảm bảo giao thông trên tuyến đường ĐT710, đồng thời đảm bảo thoát lũ theo hiện trạng. Khi mực nước lũ ngoài sông La Ngà dâng cao thì ngăn lũ ngoài sông để bảo vệ phần diện tích đang sản xuất trong lòng hồ theo hiện trạng.
Công ty giải thích thêm, sau khi công trình đầu tư hoàn thành, nếu gắn biển theo đúng tên công trình là "Cầu giao thông kết hợp cống điều tiết lũ Lăng Quăng trên tuyến đường ĐT710, huyện Tánh Linh". Tuy nhiên, do chủ quan nên đặt tên công trình là "Hồ Biển Lạc" để cho gọn, dễ nhớ theo tên hồ Biển Lạc tự nhiên".
Ngày 8/9, ghi nhận của phóng viên Dân trí, hồ Biển Lạc mênh mông nước. Tại khu vực cầu giao thông kết hợp cống điều tiết lũ Lăng Quăng trên tuyến đường ĐT710, nước từ phía sông La Ngà chảy vào lòng hồ.
Anh Nguyễn Văn Toán (xã Gia An, huyện Tánh Linh) cho biết, mùa mưa nước sông La Ngà dâng cao sẽ đổ nước vào khu vực lòng hồ Biển Lạc. Đến khi khoảng tháng 10 nước bắt đầu rút dần, người dân các xã quanh hồ Biển Lạc trở lại canh tác nông nghiệp trên lòng hồ.
"Mùa mưa lòng hồ nước dâng cao, người dân đi lại từ xã Gia An vào khu trồng cao su bên kia hồ phải đi bằng xuồng máy. Mùa khô lòng hồ cạn nước, chúng tôi đi bằng xe máy. Người dân vẫn trồng lúa, hoa màu ngay trên lòng hồ", anh Toán chia sẻ.