Chia sẻ với VietNamNet, thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết, trong suốt 30 năm đi dạy, ông từng nhận nhiều món quà ý nghĩa từ học sinh, phụ huynh, thường vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hoặc Tết cổ truyền hay đôi khi vào những ngày thường nhật.
“Nhớ những năm thập niên 90, lúc ấy rất khó khăn, tôi mới ra trường, được phân công về dạy tại trường THPT Thanh Quả (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) - một miền quê hữu ngạn sông Lam, không điện, không chợ. Tôi ở nội trú trong trường và phải tự nấu ăn một mình, thiếu thốn vô cùng. Biết hoàn cảnh của thầy nên học sinh, có lúc phụ huynh, thỉnh thoảng lại mang cho bó rau vườn, mấy quả trứng hay cân lạc… Có khi 'sang' hơn thì mấy lượng thịt lợn do nhà tự mổ.
Những món quà nhỏ nhưng nghĩa tình ấm áp lắm. Cũng có hôm, học sinh nhà xa phải ở lại học buổi chiều, xuống phòng thầy cùng nấu cơm ăn. Giờ đây, thi thoảng gặp lại, dù các em ở những vị trí khác nhau, nhưng thầy trò vẫn nhắc những kỷ niệm một thời rất trân trọng”, thầy Tuấn Anh nhớ lại.
Thầy Tuấn Anh ấn tượng nhất trong hành trình nghề giáo của mình với món quà nhận dịp 20/11 năm học 1998-1999. “Vào 20/11 năm đó, tôi nhận một món quà bất ngờ của lớp 12C (khi đó là lớp chọn khối C của nhà trường). Chuyện là cả lớp biết thầy rất hay đọc sách, nên đã góp tiền mua tặng thầy cuốn ‘Văn minh Phương Tây’. Hồi đó có một cuốn sách như vậy, ở một làng quê heo hút, là món quà vô cùng quý giá.
Sau này được nhiều người tặng sách, có những tác giả tên tuổi, nhưng món quà của các em lớp 12C niên khoá 1996-1999, tôi luôn đặt ở vị trí trang trọng trên giá sách gia đình và trong cả trái tim mình”.
Thầy Tuấn Anh kể, sau này, khi chuyển về trường ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), thỉnh thoảng ông cũng nhận được những món quà nhỏ do các học sinh cũ gửi chuyển phát đến. Song điều ông trăn trở nhất là đôi khi nhận quà nhưng cũng không nhớ nổi hết các học trò.
“Dù không làm giáo viên chủ nhiệm nhiều như các thầy cô khác, tôi luôn hạnh phúc và tự hào khi nhận được những món quà ấm áp, nghĩa tình của học trò. Đó cũng là cái duyên thầy trò, niềm hạnh phúc của nghề giáo. Điều tôi rất vui là năm nào đến ngày Nhà giáo Việt Nam, thậm chí cả ngày sinh nhật, đều nhận ‘tràn ngập’ tin nhắn, cuộc điện thoại chúc mừng của trò cũ”.
Thầy giáo xứ Nghệ cũng chia sẻ nhiều lần từ chối những món quà “không nên nhận”.
“Điều này thật khó nói, nhưng đó thường là những món quà có giá trị khá lớn. Đa số là tiền, những món quà như vậy thường kèm theo động cơ không trong sáng, khi người đối diện muốn nhờ mình làm một việc gì đó có lợi nhưng không đúng với quy định. Khi đó tôi phải lựa cách từ chối hoặc trả lại.
Cũng có cả những món quà phụ huynh đơn giản muốn cảm ơn thật lòng vì mình đã giúp họ việc gì đó, nhưng khi biết họ hoàn cảnh khó khăn, tôi cũng tìm cách từ chối hoặc tặng lại sao cho không làm tổn thương họ”.
Nói về chuyện quà cáp, thầy Tuấn Anh nhớ chuyện khoảng năm 2003, khi ông tham gia đoàn của Sở GD&ĐT về một trường THPT thanh tra hoạt động sư phạm.
Việc thanh tra vào đúng giờ của một cô giáo trẻ đang nuôi con nhỏ. “Tiết dạy của cô giáo thực ra không thành công lắm. Có lẽ vì vậy nên cô rất lo sợ và nghĩ rằng phải quà cáp cho người dự giờ. Khi cô giáo đưa cái phong bì, chắc có tiền bên trong, tôi không nhận, cô căng thẳng và òa khóc.
Thực sự lúc đó tôi rất bối rối và thương cô giáo. Tôi đã nói với cô rằng ‘nếu anh nhận món quà này thì có khác gì cướp đi tiền sữa của con em’. Nghe vậy, cô giáo trẻ lại khóc to hơn. Tôi đã phải động viên mãi cô mới yên tâm. Những kỷ niệm như thế càng làm tôi thấu hiểu và chia sẻ áp lực với giáo viên nhiều hơn”.
Thầy Tuấn Anh cho hay, ngày nay, nhiều giáo viên phàn nàn vì áp lực. Nhưng với ông, nghề giáo vui và hạnh phúc nhiều hơn buồn. “Chỉ cần mình trân trọng công việc và nghề nghiệp của mình thì sẽ lan tỏa được niềm vui hạnh phúc đến học trò, và hạnh phúc tự khắc sẽ về lại với chính mình”, thầy nói.