Chợ "chồm hổm" Vị Thanh gần cầu Cái Nhúc (nhỏ) là chợ nông sản hoạt động nhộn nhịp và cũng là điểm đến thú hút nhiều du khách của thành phố Vị Thanh (Hậu Giang). Ảnh: Nguyễn Hằng - TTXVN
Theo đó, Hậu Giang triển khai đến các cấp, ngành tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; tiếp tục khẳng định ngành Du lịch có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tỉnh cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh phục hồi và phát triển du lịch, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua.
Địa phương cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường; phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, đưa ngành Du lịch Hậu Giang trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hậu Giang tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên vùng; phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tham gia vào phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Tỉnh sẽ đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.
Tỉnh thực hiện hiệu quả các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố của Đồng bằng sông Cửu Long; nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng; phát huy vai trò liên kết để xây dựng nên những sản phẩm hấp dẫn, độc đáo của từng địa phương, đảm bảo thống nhất cùng phát triển bền vững.
Hậu Giang với vị trí trung tâm tiểu vùng Tây Sông Hậu, có lợi thế về du lịch đường thủy và đường bộ khi nằm gần thành phố Cần Thơ với Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ là đầu mối giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đồng thời, tỉnh nằm trên các trục giao thông đường bộ quan trọng như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 61, Quốc lộ 61B, Quốc lộ 61C, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp và các tuyến giao thông đường thủy huyết mạch như: Sông Hậu, kênh Xáng Xà No.
Địa phương có tiềm năng phát triển du lịch, nổi bật là giá trị cảnh quan, sinh thái sông nước, hệ sinh thái rừng tràm, hệ sinh thái nông nghiệp. Cụ thể như: Cảnh quan sinh thái gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; cảnh quan sinh thái nông nghiệp với những vườn cây trái, những cánh đồng ruộng lúa rộng lớn tạo nên không gian xanh, yên bình, thuận lợi hình thành sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch miệt vườn. Cùng với đó, tỉnh còn lưu giữ và bảo tồn được các giá trị văn hóa, lịch sử. Địa bàn tỉnh có một di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 8 di tích cấp Quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh; một số công trình văn hóa tôn giáo. Tỉnh có các lễ hội văn hóa; làng nghề truyền thống và ẩm thực với các đặc sản từ các sản phẩm nông nghiệp, 175 sản phẩm OCOP...
Tám tháng năm 2023, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành của tỉnh Hậu Giang là gần 37 ngàn tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Hồng Dân