Theo báo cáo, thi thể được phát hiện ở trong một cuộc khai quật khảo cổ tại Chateau de Laval, thuộc tây bắc nước Pháp vào năm 1988. Danh tính của người phụ nữ là bà Anne d'Alegre, được ướp trong chiếc quan tài bằng chì với bộ xương và hàm răng vẫn còn khá nguyên vẹn.
Vào thời điểm đó, các nhà khảo cổ nhận thấy rằng cô ấy có một chiếc răng giả cùng sợi dây vàng quấn quanh nhưng lại không có công cụ quét tiên tiến để tìm hiểu thêm.
35 năm sau, một nhóm các nhà khảo cổ học và nha sĩ tái kiểm tra xác ướp và xác định rằng d'Alegre mắc bệnh nha chu (một bệnh rất phổ biến của vùng răng miệng, hay gặp ở lứa tuổi trung niên, người già và là một trong những nguyên nhân thường gặp của tình trạng mất răng, răng lung lay,... ở người lớn). Đó là lí do khiến các chiếc răng của bà lung lay.
Các chuyên gia dùng công nghệ quét Cone Beam, sử dụng tia X để tạo hình ảnh ba chiều, cho thấy dây vàng được sử dụng để giữ và siết chặt một số răng của người phụ nữ. Ngoài ra, họ cũng tìm thấy chiếc răng nhân tạo làm bằng ngà của một con voi chứ không phải hà mã, vật liệu phổ biến vào thời điểm đó.
Rozenn Colleter, nhà khảo cổ học tại Viện nghiên cứu khảo cổ học dự phòng quốc gia Pháp và là người dẫn đầu của nghiên cứu cho biết, phương thức nha khoa làm đẹp công phu này chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Các dây vàng sẽ cần được thắt chặt nhiều lần trong nhiều năm, khiến các răng bên cạnh cũng mất đi sự ổn định.
Nỗi đau mà bà D'Alegre phải chịu đựng không chỉ vì căn bệnh nha chu mà còn vì áp lực về ngoại hình đối với phụ nữ quý tộc khi nó là thứ quan trọng để quyết định giá trị và địa vị xã hội ở thời bấy giờ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh nha chu nghiêm trọng được ước tính là gây ảnh hưởng tới gần 1/5 số người trưởng thành trên thế giới.
Một số biểu hiện đặc trưng của căn bệnh này là chảy máu khi chải răng, lợi sưng đỏ, dễ chảy máu, mảng bám răng và cao răng bám trên bề mặt răng, nhất là vùng cổ răng, hơi thở hôi, có dịch hoặc mủ trong túi lợi và răng lung lay, di lệch, đau đớn khi hoạt động. Bệnh thường diễn biến rất chậm qua 2 giai đoạn là viêm lợi và viêm nha chu.
Bệnh nhân có thể điều trị dễ dàng nếu ở giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên, phần lớn đều mắc phải ở giai đoạn nghiêm trọng khiến các mô nâng đỡ răng như xương, dây chằng nha chu bị phá hủy hoàn toàn dẫn đến mất răng.