Hài hoà lợi ích, gia tăng hợp tác ở tiểu vùng sông Mekong

Đức Khải| 28/11/2023 14:22

Với tiềm năng phong phú và vị trí địa chiến lược quan trọng, tiểu vùng Mekong đã và đang thu hút sự quan tâm, can dự của các nước trong và ngoài khu vực, nhất là các nước lớn. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường nghiên cứu, trao đổi, tìm kiếm giải pháp nhằm hài hòa lợi ích của các quốc gia, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong đặt ra hết sức cấp thiết.

Hài hoà lợi ích, gia tăng hợp tác ở tiểu vùng sông Mekong
Diễn đàn Mekong năm 2022 do Học viện Ngoại giao Việt Nam và Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung Việt Nam đồng chủ trì tổ chức, ngày 27/9/2022.

Với địa thế bản lề giữa khu vực Nam Á và Đông Nam Á, tiếp giáp với Trung Quốc và Ấn Độ; kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và nằm ở cửa ngõ eo biển Malacca, vì vậy Tiểu vùng Mekong luôn chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược, chính sách đối ngoại, quân sự và kinh tế của các cường quốc. Hiện Tiểu vùng sông Mekong đang chịu nhiều tác động đan xen giữa các yếu tố khách quan và chủ quan, ảnh hưởng mạnh mẽ tới giá trị địa - chiến lược của khu vực.

Sông Mekong là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới với chiều dài khoảng 4.800km, chảy qua 6 quốc gia gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Tiểu vùng Mekong đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm sinh kế cho hơn 60 triệu người dân sống dọc lưu vực hai bên bờ sông.

Sở hữu tiềm năng phong phú và vị trí địa chiến lược quan trọng, tiểu vùng Mekong đã và đang thu hút sự quan tâm, can dự của các nước trong và ngoài khu vực, nhất là các nước lớn. Tiểu vùng Mekong là một trong số ít tiểu vùng trên thế giới có đầy đủ các cơ chế hợp tác nội vùng cũng như các cơ chế hợp tác với nhiều đối tác bên ngoài. Các cơ chế này góp phần hình thành các trục giao thông, hành lang kết nối, liên kết kinh tế; tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội bền vững...

Hài hoà lợi ích, gia tăng hợp tác ở tiểu vùng sông Mekong
Các học giả, nhà nghiên cứu tham dự Diễn đàn Mekong lần thứ II. (Nguồn: KAS)

Tuy nhiên, một số lĩnh vực hợp tác có tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả do thiếu vai trò điều phối và thiếu sự phối hợp giữa các cơ chế. Các nước nhận thức rõ vấn đề nhưng khó có thể giải quyết một cách căn bản do sự khác biệt về lợi ích giữa các đối tác phát triển, giữa các nước Mekong với các đối tác và giữa các nước Mekong với nhau. Sự tham gia hợp tác của các đối tác phát triển trên cơ sở hài hòa nhu cầu của tiểu vùng với thế mạnh của các đối tác góp phần đa dạng hóa nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tiểu vùng.

Bên cạnh đó, hợp tác tại tiểu vùng Mekong góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước; tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân lưu vực sông Mekong. Đặc biệt khi Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, tiếp nối thành công của chuỗi Diễn đàn Mekong năm 2022, Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) và Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung Việt Nam (KAS) sẽ đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn quốc tế Mekong lần thứ III với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mekong hướng tới phát triển bền vững” trong các ngày 23-24/11/2023 tại Khách sạn Liberty Central Saigon Citypoint, TP. Hồ Chí Minh.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Diễn đàn lần này nhằm tiếp tục tạo diễn đàn trao đổi, tăng cường chia sẻ thông tin, tri thức về các cơ chế hợp tác tiểu vùng song Mekong. Đồng thời là dịp để cùng đánh giá thực trạng, phân tích thuận lợi, thách thức trong hợp tác tiểu vùng Mekong. Từ đó, có thể đưa ra những khuyến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ chế hợp tác hướng tới phát triển bền vững ở tiểu vùng sông Mekong.

Ban Tổ chức cho biết, Diễn đàn Mekong lần thứ III đã thu hút trên 100 nhà khoa học, học giả, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao trong nước và quốc tế, trong đó có đại diện một số Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán các nước: Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Thụy Sỹ, Australia, Mỹ, Canada, Hà Lan…tham dự.

Hài hoà lợi ích, gia tăng hợp tác ở tiểu vùng sông Mekong
Diễn đàn Mekong được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, tạo thuận lợi cho các nhà nghiên cứu tham luận, đóng góp ý kiến. (Nguồn: KAS)

Diễn đàn gồm 3 phiên chính, bao gồm: Phiên I với chủ đề “Tầm quan trọng của Tiểu vùng sông Mekong trong quá trình thay đổi bối cảnh khu vực và toàn cầu”, do Tiến sỹ Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam điều hành.

Phiên II với chủ đề “Quan điểm của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam (CLMTV): Cơ hội và những thách thức từ các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong” do ông Nguyễn Minh Cường, Nguyên Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Nguyên Giám đốc Tiểu vùng Mekong mở rộng, Nguyên Trưởng Ban điều phối chương trình, Ban Thư ký ASEAN điều phối.

Phiên III với chủ đề: “Triển vọng hợp tác giữa các cơ chế tiểu vùng Mekong” do Đại sứ Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam điều phối.

"Trong bối cảnh đó, việc tăng cường các diễn đàn nghiên cứu, trao đổi, tìm kiếm giải pháp nhằm hài hòa lợi ích của các quốc gia, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong đặt ra hết sức cấp thiết...Bên cạnh nỗ lực của kênh ngoại giao chính thức, các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp của giới chuyên gia, học giả, các nhà nghiên cứu sẽ góp phần hỗ trợ thực hiện các mục tiêu này." Tiến sỹ Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hài hoà lợi ích, gia tăng hợp tác ở tiểu vùng sông Mekong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO