Hai câu chuyện ly kỳ quanh bản nhạc 'Dạ cổ hoài lang'

16/11/2023 11:19

Tình yêu thương, nỗi nhớ nhung chính là chất xúc tác để Cao Văn Lầu sáng tác nên “Dạ cổ hoài lang”, bản ca cổ lừng danh được người dân miền Tây Nam bộ và cả nước say mê. Ít ai biết, bản cổ nhạc còn góp một chiến công trong cuộc cách mạng giải phóng đất nước.

khuluuniemnhacsicaovanlaubaclieu(1).jpg
Khu tưởng niệm Cao Văn Lầu tại Bạc Liêu.

Mối tình trắc trở

Là một người con nổi tiếng của Bạc Liêu, nhưng thực chất, quê hương của nhạc sĩ Cao Văn Lầu là ở Long An. Ông sinh ngày 22/12/1890 tại xóm Cây Cui, thôn Thuận Lễ, tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là tỉnh Long An). Ông là con thứ 5 trong một gia đình có 6 người con nên thường đường gọi là Sáu Lầu. Cha của ông là ông Cao Văn Giỏi thường được gọi là Chín Giỏi, có thời gian là nghệ nhân thổi kèn, đánh trống nhạc lễ, sau làm thầy tuồng cho gánh hát bội.

Năm Cao Văn Lầu 4 tuổi, vào một đêm tối trời, cha ông cùng với hơn 20 gia đình nông dân đã giong xuồng, rời quê hương xuôi Nam để tìm sinh kế, bởi không thể chịu nổi các thế lực cường hào ác bá ở địa phương chèn ép đến không còn đường sống.

Họ chọn Rạch ông Bổn, Bạc Liêu làm nơi sống mới của mình. Năm 1901, Cao Văn Lầu tu học ở chùa Vĩnh Phước An, sau đó học chữ quốc ngữ. Năm 16 tuổi, được cha dẫn đến gặp nhạc sư Lê Tài Khí nổi tiếng ở Bạc Liêu để học đánh đàn. Nhạc sư là một người tật nguyền, mù cả hai mắt và có tật ở chân nhưng rất nổi danh trong làng nhạc. Sáu Lầu rất được thầy thương vì ông biết chữ, lại có tố chất trong âm nhạc, thông minh và cần cù học hỏi. Càng học, Cao Văn Lầu càng chứng tỏ thiên tư, ngón đàn càng điêu luyện, rung động lòng người.

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Một lần, nhạc sư yêu cầu các học trò của mình sáng tác một bản nhạc nói về nỗi lòng của một người phụ nữ ngóng chờ chồng nơi biên thùy xa xôi. Để tạo nguồn cảm hứng cho học trò, thầy Tài Khí đã kể câu chuyện về người thiếu phụ có chồng đi chinh chiến nhiều năm, nàng vò vò một mình ở nhà thêu thùa, nữ công gia chánh, một lòng ngóng chồng. Nàng còn làm những bài thơ tứ tuyệt day dứt nỗi nhớ thương. Đó là sự tích “Chinh phụ vọng chinh phu”, được rút ra từ bản Nam ai Tô Huệ chức cẩm hồi văn.

Với tâm hồn người nghệ sĩ đầy rung cảm, Cao Văn Lầu đã đồng cảm sâu sắc, rưng rưng cùng nỗi lòng thiếu phụ. Trong một đêm, ông sáng tác ra bản nhạc “Dạ cổ hoài lang” với những giai điệu nức nở, day dứt. Thế nhưng, biến cố xảy ra với gia đình nhạc sư, bản nhạc cũng chưa được Sáu Lầu đờn cho thầy nghe.

Năm 21 tuổi, Cao Văn Lầu được cha mẹ gọi về nhà để lấy vợ. Vợ ông là một cô gái nết na, xinh đẹp nức tiếng trong vùng. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ tuy nhiều vất vả, nhọc nhằn nhưng cũng tràn ngập tiếng cười. Hai vợ chồng ngày đi làm mướn kiếm sống, tối quấn quýt bên nhau. Vì mưu sinh, lúc này Sáu Lầu đã chấp nhận từ bỏ ước mơ, sở trường của mình là gảy đàn kìm.

Thế nhưng, cuộc sống nghèo khó nhưng bình dị và hạnh phúc mà ông lựa chọn cũng không được lâu bền. Lấy nhau mãi mà hai vợ chồng chưa có con. Đến năm thứ ba, theo tục lệ của quê nhà thời ấy, nhà chồng phải trả con dâu không sinh được con về cho cha mẹ đẻ. Tình vợ chồng đang sắt son, thắm thiết bỗng nhiên phải chia tay bởi hủ tục, lề thói cũ. Xa vợ, Cao Văn Lầu như người mất hồn, không chịu lấy vợ mới, vẫn ngày ngày thương nhớ vợ. Một lần, Sáu Lầu lặn lội sang thăm vợ thì hay tin cô đã bỏ nhà đi biệt tích. Người chồng trẻ như chết điếng.

Trong nỗi ân hận, nỗi nhớ nhung, thương xót và cả oán hận những hủ tục bất công chia rẽ tình vợ chồng, Cao Văn Lầu cầm lại chiếc đàn kìm đã bỏ xó từ lâu, đàn lên khúc ca day dứt “Dạ cổ hoài lang”. Rồi trong tiếng nức nở xót xa, những lời bài hát cũng bật lên trong tâm trí ông. “Đường dù xa ong bướm/ Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang/ Còn đêm luống trông tin nhạn/ Ngày mỏi mòn như đá vọng phu/ Vọng phu vọng luống trông tin chàng/ Lòng xin chớ phũ phàng...”. Khúc ca là nỗi day dứt vì tình vợ chồng đứt đoạn, là nỗi thấu cảm, xót thương cho người vợ phải xa cách, ngóng trông chồng.

Sau khi cất lên khúc hát mang nặng nỗi lòng, Cao Văn Lầu đã quyết tâm bỏ nhà đi, bôn ba khắp chốn tìm vợ. Rồi một ngày kia ông được tin vợ mình đang làm công quả tại một ngôi chùa vùng thôn quê, Sáu Lầu tìm đến và gặp được vợ mình. Hai người trùng phùng, mừng mừng tủi tủi. Cao Văn Lầu không đưa vợ về quê mà hai người tự tìm chốn riêng để sống với nhau, cho đến ngày người vợ thụ thai, ông mới đưa vợ về, ra mắt lần nữa với cha mẹ. Lần này, cha mẹ ông đã đón nhận con dâu.

Chuyện tình của họ đã kết thúc có hậu, bà lần lượt hạ sinh cho ông 7 người con, gồm 5 trai và 2 gái. Gia đình ông sớm giác ngộ cách mạng, 4 người con trai của ông đều tham gia bộ đội. Riêng Cao Kiến Thiết từng là cán bộ cao cấp của Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ.

Ly kỳ chuyện “Dạ cổ hoài lang” cứu chiến sĩ cách mạng

Tuy mối tình của vợ chồng Cao Văn Lầu đầy trắc trở và nước mắt, nhưng chính đoạn tình duyên bị chia lìa ấy đã góp phần cho ra đời một ca khúc bất hủ trong làng ca cổ Việt. Năm 1919, Cao Văn Lầu nổi danh khắp nơi cùng với ca khúc “Dạ cổ hoài lang”. Ca khúc được trình diễn trong hầu hết những buổi văn nghệ, ca cải lương lớn nhỏ khắp lục tỉnh Nam kỳ. Cao Văn Lầu được mời tham gia nhiều nhóm đờn ca tài tử địa phương, sau đó được mời làm trưởng một đoàn hát. Sự nghiệp sáng tác của ông còn ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm khác, nhưng không một bài nào vang danh như “Dạ cổ hoài lang”.

Có một câu chuyện liên quan đến “Dạ cổ hoài lang” đầy xúc động đó là chuyện Cao Văn Lầu dùng bài hát của mình để cứu sống các chiến sĩ cách mạng đang sắp bị xử bắn. Bạc Liêu vốn là cái nôi hoạt động cách mạng từ trước năm 1945 cho đến thời chống Mỹ.

Khu trưng bày bộ nhạc cụ Cao Văn Lầu đã từng chơi bản “Dạ cổ hoài lang” để cứu các chiến sĩ cách mạng.

Bản thân Cao Văn Lầu và gia đình ông cũng đã sớm giác ngộ cách mạng, hầu hết các con ông đều tham gia kháng chiến. Năm 1947, có nhiều chiến sĩ cách mạng bị bắt và chuẩn bị chịu án tử. Lúc này, Cao Văn Lầu đã nhận nhiệm vụ dùng tiếng đàn của mình để đánh lạc hướng quân địch, giải cứu các chiến sĩ đang bị giam cầm. Cao Văn Lầu đã tổ chức ban nhạc vào biểu diễn trong trại giam Bạc Liêu suốt ba đêm liền.

Vào đêm cuối cùng, lúc bản “Dạ cổ hoài lang” vang lên nức nở, hòa trong tiếng đờn kìm, sáo nhị, tiếng trống rộn rã, lực lượng cách mạng đã phá cửa nhà giam, nơi những tên lính đang mê đắm trong âm nhạc, thành công giải thoát 6 chiến sĩ cách mạng. Sau đó, bằng ngón đàn của mình, Cao Văn Lầu tổ chức lưu diễn khắp nơi, “ru ngủ” quân địch để lực lượng cách mạng hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng.

Câu chuyện này đã được xác thực bởi chính quyền Bạc Liêu, hiện nay Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (ở TP Bạc Liêu) có bản ghi câu chuyện, đồng thời bộ nhạc cụ mà ban nhạc Cao Văn Lầu trình diễn đêm ấy vẫn được trưng bày trang trọng tại nhà lưu niệm.

Từ bản Dạ cổ hoài lang mỗi câu 2 nhịp, các nghệ sĩ sau này chuyển lên 4 nhịp rồi 8 nhịp, mà thành bài vọng cổ đầu tiên. Có nghĩa là, Cao Văn Lầu là người sáng tác, nhưng các nghệ nhân dân gian mỗi người một tay đã góp công sức, tài năng của mình để có một bản ca cổ dày dặn, tiết tấu, thanh âm phức tạp, đặc sắc như hiện nay. “Dạ cổ hoài lang” cho đến nay vẫn được gọi là “khúc ca vua” của nền cổ nhạc. Một ca khúc không chỉ quá đặc sắc về yếu tố nghệ thuật, gắn liền với nghệ thuật đờn ca tài tử quý báu, gắn với đời sống tinh thần của người dân miền Tây Nam bộ, mà còn mang trong mình những câu chuyện li kì, những sứ mệnh hào hùng. Ca khúc ấy cho đến ngày nay vẫn là niềm tự hào của người dân miền Tây Nam bộ, được người dân cả nước mến chuộng, cũng trở thành cảm hứng cho biết bao vở kịch, bộ phim...

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu qua đời ở tuổi 86. Ngày nay, hầu hết tác nghệ sĩ cải lương và giới mộ điệu mỗi khi có dịp đến Bạc Liêu đều đến Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu để thắp nén hương tưởng niệm, tri ân công lao của ông, một con người đáng kính đã dùng một đời cống hiến cho nghệ thuật đờn ca tài tử, cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hai câu chuyện ly kỳ quanh bản nhạc 'Dạ cổ hoài lang'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO