Hà Nội sẽ mở rộng phố đi bộ hồ Gươm

Hà Mỹ| 14/06/2023 17:37

UBND Hà Nội lên kế hoạch mở rộng các tuyến phố đi bộ trong khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nâng cấp chất lượng các không gian ẩm thực.

Phát triển du lịch chất lượng cao, khai thác tối đa các giá trị văn hóa là một trong những mục tiêu được Hà Nội đặt ra trong kế hoạch phát triển kinh tế đô thị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, UBND Hà Nội định hướng phát triển sản phẩm du lịch chủ yếu trong khu vực đô thị, tập trung vào các loại hình: du lịch văn hóa di sản, lịch sử; du lịch ẩm thực; du lịch mua sắm; dịch vụ vui chơi giải trí; MICE (hình thức du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm)…

Cùng với đó, thành phố lên kế hoạch tiếp tục mở rộng các tuyến phố đi bộ trong khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Ngọc Khánh; mở rộng và nâng cấp chất lượng không gian ẩm thực tại chợ đêm Đồng Xuân, tuyến phố Tống Duy Tân, khu vực Đảo Ngọc - Ngũ Xã...

Hà Nội cũng sẽ xây dựng các tour du lịch gắn với điểm đến là các trung tâm mua sắm như khu Outlet, trung tâm sáng tạo, không gian trình diễn thời trang, tổ hợp vui chơi giải trí đa năng, công viên chuyên đề…

Hà Nội sẽ mở rộng phố đi bộ hồ Gươm - 1

Không gian phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận là điểm đến quen thuộc của nhiều người dân Hà Nội vào cuối tuần (Ảnh: Tố Linh).

Về dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, Sở Tài chính được giao nghiên cứu chính sách thu hút các định chế tài chính lớn đặt trụ sở ở Hà Nội; khuyến khích và tạo điều kiện thành lập các tổ chức tài chính vi mô, phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thẩm định giá…

Địa phương khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhu cầu đô thị như: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm tài sản; đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp tài chính mở rộng phạm vi thị trường ra khu vực quốc tế.

Sở Xây dựng Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp với sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã tham mưu các giải pháp kiểm soát, điều tiết đảm bảo thị trường bất động sản phát triển cân đối cung - cầu, ổn định, lành mạnh, minh bạch; kiểm soát tình trạng "đầu cơ" bất động sản khu vực trung tâm.

Thành phố cũng ưu tiên phát triển quỹ nhà ở xã hội tại các khu vực định hướng trở thành quận trong thời gian tới. Trong đó, Sở Xây dựng cần công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Trong những năm tới, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành việc di dời các cơ sở sản xuất, trụ sở cơ quan không phù hợp trong khu vực nội đô; xem xét chuyển đổi một số cơ sở công nghiệp cũ thành không gian văn hóa, nuôi dưỡng sáng tạo trong khu vực đô thị trung tâm.

Thành phố dự kiến bảo tồn các cơ sở sản xuất công nghiệp có không gian, kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa, có thể bảo tồn, tôn tạo để khai thác du lịch.

Để thực hiện kế hoạch này, trong năm 2023-2025, Sở Văn hóa và Thể thao được giao lập đề án nghiên cứu đề xuất chuyển đổi di sản, biệt thự cũ, di sản đô thị... thành các di sản văn hóa mới, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội sẽ mở rộng phố đi bộ hồ Gươm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO