Các cơ chế về phân cấp, phân quyền là một những điểm nhấn quan trọng trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô sửa đổi, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh Hà Nội rất cần cơ chế này để tháo gỡ những vấn đề đang vướng mắc.
Điển hình, ông đề cập chủ trương di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm, bệnh viện, trường học khỏi nội đô. Đây là nhiệm vụ được đặt ra từ lâu nhưng theo đánh giá của người đứng đầu Đảng bộ thành phố, vẫn đang "giậm chân tại chỗ".
Nhấn mạnh đây là mấu chốt để Hà Nội giải bài toán giảm dân số và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như ùn tắc, ô nhiễm, úng ngập, Bí thư Đinh Tiến Dũng nói thành phố cần được phân quyền để giải quyết việc này.
Chia sẻ việc Hà Nội đã có định hướng quy hoạch thành phố thứ hai ở phía Tây, nơi phát triển về khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo, ông Dũng cho biết trước khi đặt ra quy hoạch này, thành phố đã bắt tay vào việc di dời các cơ sở trong nội đô.
Song thực tế, hầu hết bệnh viện, trường đại học đều theo cơ chế tự chủ nên nếu bây giờ giao đất mới, không biết liệu các đơn vị có tiền xây trụ sở hay không.
Từ bất cập đã chỉ ra, Bí thư Hà Nội đề nghị giao thẩm quyền mạnh hơn cho thành phố. Hà Nội muốn có cơ chế được chủ động chi ngân sách giải phóng mặt bằng, thậm chí xây trụ sở mới cho trường học, bệnh viện, còn cơ sở cũ trả lại cho thành phố hoặc làm cơ sở đào tạo sau đại học, cơ sở nghiên cứu…
Ông tính toán nếu di dời được các trường đại học ra khỏi trung tâm sẽ đưa được khoảng một triệu sinh viên ra khỏi nội đô, kéo theo gần bằng số lượng đó dân cư đi theo. "Đây chính là mục tiêu trong phát triển quy hoạch thủ đô", theo lời ông Dũng.
Góp ý về cơ chế đặc thù cho Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề cập đến chính sách tiền lương.
Ông Cường cho rằng khi bộ máy phải thực hiện các trọng trách lớn, chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô cũng phải khác biệt.
Dự thảo luật đề xuất Hà Nội được chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô và một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn. Tổng mức chi cho nội dung này không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức. Ông Cường nhận định như vậy là thấp, cần tăng cao hơn.
Vị đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị tổng quỹ tiền lương phải cao hơn 0,8 lần và chế độ tiền lương cho từng người không có mức giới hạn.
Còn Phó trưởng ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên nhắc lại quy định dự luật cho phép Thủ đô áp dụng quỹ lương với tổng mức chi phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của thành phố và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Tuy nhiên, nữ đại biểu đề nghị luật cần quy định phù hợp, chặt chẽ, đảm bảo bám sát lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) ủng hộ chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài để Hà Nội không bị "chảy máu chất xám, song theo ông, phải xác định nhân tài đó là ai, tiêu chí nhân tài đó như thế nào.
"Nếu Hà Nội đề nghị hỗ trợ nhân tài cho sinh viên, học sinh nhưng lại không có tiêu chí sẽ dễ dẫn đến xin - cho, đưa con ông cháu cha vào và nói là nhân tài, rồi đưa đi học nước ngoài, khi về lại hoạt động không có hiệu quả", vị đại biểu lo ngại và đề nghị quy định rõ điều kiện này trong luật.