Không chỉ là một trí tuệ uyên bác trong nhiều lĩnh vực - từ toán, lý cho tới triết học, âm nhạc, hội hoạ, trên hết, khi nhớ về ông, các trí thức cùng thời luôn coi ông là một người thầy, một người anh lớn để nhìn vào đó mà học hỏi, noi theo.
Sau khi đi tu học ở các trường đại học của Pháp và về nước, năm 1934 (khi mới 24 tuổi), Tạ Quang Bửu từ chối lời mời ra làm quan mà đi dạy toán và tiếng Anh ở trường tư Providence (Huế). Ngoài 2 môn học này, ông còn nhận dạy các bộ môn khác theo yêu cầu của nhà trường - một việc hiếm ai có thể làm được.
Với tinh thần tự học, tự nghiên cứu, ông không chỉ dạy học sinh những kiến thức trong sách, mà luôn mở rộng, phát triển nó ở trình độ cao hơn để giới thiệu cho học trò.
Một điều đặc biệt ở GS Tạ Quang Bửu là ông chơi thể thao rất giỏi. Ông chơi được nhiều bộ môn như: bơi, chạy, nhảy cao, nhảy xa, bóng bàn…
Là huynh trưởng của Hội Hướng đạo sinh Trung Kỳ, ông thường xuyên truyền đạt kinh nghiệm luyện tập cho học sinh, sinh viên đánh bóng bàn kiểu Barma (vận động viên vô địch thế giới người Hungary), tập điền kinh theo phương pháp khoa học nhất…
Thời là du học sinh ở Anh, Pháp, ông còn tham gia cả những cuộc thi bơi đường dài, vượt eo biển Manche nối giữa Anh và Pháp. Bản thân ông, từ khi còn là sinh viên cho tới khi là một giáo sư hay một Bộ trưởng Bộ Đại học, chính là một ví dụ điển hình cho giáo dục toàn diện.
Người thầy, người anh 'xé rào' để nâng đỡ người tài
Khi nhớ về GS Tạ Quang Bửu, các trí thức cùng thời không chỉ nể trọng trí tuệ của ông, mà còn biết ơn sự nâng đỡ, trợ giúp và chắp cánh cho người tài có cơ hội học tập, phát triển để quay trở về đóng góp cho đất nước.
“Không biết đã có bao nhiêu trường hợp vì lý lịch, vì quá khứ, vì sức khoẻ, vì hoàn cảnh thiếu thốn mà không được đi học rồi được GS Tạ Quang Bửu đích thân giải quyết để được đi học.
Ông đã ‘xé rào’ để lý lịch và quá khứ không ngăn cản việc học tập của các tài năng. Ông đích thân can thiệp, thuyết phục, và đứng ra bảo lãnh, mạo hiểm cả chức vụ và số phận chính trị của mình để các tài năng có điều kiện phát triển”, TS Nguyễn Ngọc Chu từng nói.
GS Ngô Việt Trung - Nguyên Viện trưởng Viện Toán học - là một trong số những người “có ơn” với GS Tạ Quang Bửu như thế. Ông kể, năm 1969, ông đi thi toán toàn miền Bắc và được giải nhất. Năm đó cũng là năm đầu tiên tổ chức thi tuyển lưu học sinh đi du học ở các nước xã hội chủ nghĩa. Ông đạt điểm tối đa. Nhưng do bị liệt một chân phải đi nạng nên không có nước nào nhận. Đúng lúc đó có phái đoàn của Bộ Giáo dục Đông Đức sang thăm Việt Nam. “Bác Bửu đã đề nghị họ nhận tôi sang học bên Đức như một trường hợp đặc biệt”.
Sang Đức, ông được phân công học Kỹ thuật thông tin và Đức không nhận đào tạo Toán học cho lưu học sinh Việt Nam năm đó. Hết năm học tiếng Đức đầu tiên, GS Bửu lại can thiệp cho tôi chuyển sang học toán. “Mãi sau này tôi mới biết tất cả những chuyện này” - GS Ngô Việt Trung kể.
Tương tự như vậy, GS. Tiến sỹ khoa học Trần Hữu Phát - một trong những chuyên gia hàng đầu lĩnh vực năng lượng nguyên tử - cũng từng nhận được sự “chắp cánh” vô cùng nhiệt huyết của GS Tạ Quang Bửu để ông có cơ hội được mời sang Pháp làm việc 1 năm.
“Anh giới thiệu tôi với GS Vigier - một nhà vật lý tên tuổi - trong một lần giáo sư cùng đoàn đại biểu Pháp sang thăm Việt Nam. Sau đó, anh đề nghị giáo sư tiếp riêng tôi một buổi để nghe tôi trình bày một số kết quả nghiên cứu mới nhất. Vài ngày sau buổi làm việc với GS Vigier, tôi được anh nhắn đến Bộ. Gặp tôi, anh vui mừng thông báo: ‘GS Vigier đánh giá cao những kết quả cậu đã đạt được và chính thức đề nghị với anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) cho cậu sang Pháp làm việc 1 năm’”.
Mùa đông năm 1967, sau khi GS Trần Hữu Phát hoàn thành một công trình mà ông cho là rất có ý nghĩa, ông quyết định viết bản thảo bằng tiếng Pháp để đăng báo nước ngoài. Trước khi gửi đăng, ông xin ý kiến GS Bửu.
"Đọc xong, anh hẹn tôi đến nhà để thảo luận kỹ về nội dung. Anh đã góp nhiều ý kiến quan trọng và đã ngồi cùng tôi suốt buổi tối hôm đó để vừa viết lại, vừa sửa tiếng Pháp. Anh khuyên tôi: ‘Khi viết bài cần rõ ràng, chặt chẽ, trung thực và khiêm tốn’. Và suốt cuộc đời làm khoa học, tôi đã luôn luôn thực hiện nghiêm túc lời khuyên này của anh”.
Hết lòng “nâng đỡ” người tài, “xé rào” để lý lịch và quá khứ không trở thành rào cản con đường học tập của bất cứ ai, nhưng cũng có lần Tạ Quang Bửu thất bại trước những thành kiến ở giai đoạn đó.
GS Phan Đình Diệu - người có nhiều kỷ niệm với GS Tạ Quang Bửu kể lại câu chuyện vào đầu những năm 1970.
“Hồi đó có một học sinh trẻ tên là N…, đến tìm tôi hỏi chuyện học, sau vài lần kiểm tra, tôi ngạc nhiên khi thấy do không đi sơ tán nên đang học cấp 2 em phải bỏ dở rồi chủ yếu là tự học, mà chỉ trong vòng 3, 4 năm, em đã học xong cấp 3. Em tự học nhiều môn của chương trình đại học, đặc biệt nắm khá vững về giải tích, tôpô và có thể nói là hiểu thấu đáo về logic toán. Em ở Hà Nội với bà mẹ nuôi, còn bố mẹ đẻ làm nghề y đã đi Nam từ năm 1954, khi em còn bé.
Tôi báo cáo với các thủ trưởng ở Uỷ ban Khoa học, nơi tôi công tác, với đề nghị được giúp đỡ. Sau vài lần đến gặp N. ở nhà tôi để cùng kiểm tra, một thủ trưởng hăng hái nói: có thể tuyển ngay vào Viện Toán rồi sẽ tạo điều kiện bồi dưỡng tiếp. Thủ trưởng kia thận trọng hơn, vài hôm sau cho chỉ thị: không phí sức đào tạo những người như vậy.
Tôi thất vọng tìm đến anh (GS Bửu). Anh hẹn gặp N. mấy lần và sau đó bảo tôi: cái chuyện giúp N. giỏi toán thì anh và tôi khỏi lo, tự nó sẽ giỏi. Cái mà ta cần giúp là làm sao để cuộc đời chấp nhận nó. Và theo lời khuyên của anh, N. thi vào năm thứ nhất đại học, thi được điểm cao nhưng không được nhận học, tiếc là lúc đó anh đi công tác xa nên chẳng biết kêu ai. Năm sau em lại kiên nhẫn thi một lần nữa, và nhờ có ý kiến của anh nên được vào học, do học vượt nên tốt nghiệp sớm. Nhưng lần này thì tiếc thay, không sao làm được cho ‘cuộc đời chấp nhận’, chẳng cơ quan nào nhận N.”.
Vị Bộ trưởng đứng trên bục giảng
Mặc dù đã giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Đại học Trung học chuyên nghiệp, nhưng có một điều thú vị là GS Bửu vẫn dành khá nhiều thời gian để chủ trì và thuyết giảng tại các xêmina toán về những vấn đề mới.
“Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ những buổi giảng của anh, say sưa và sâu sắc, luôn hấp dẫn người nghe, hấp dẫn bởi cái say sưa nhiệt tình của người giảng là chính, dù người nghe chúng tôi nhiều khi chưa lĩnh hội được cái sâu sắc của bài giảng qua ngôn ngữ bác học của anh. Đối với tôi, dù chưa hiểu bao nhiêu, nhưng tác động quan trọng của các bài giảng đó là gợi sự tò mò và lòng ham tìm hiểu. Và rồi như sau này khi đã trải qua phần lớn cuộc đời mình, tôi nghiệm ra rằng cái hấp dẫn nhất đối với mình bao giờ cũng là cái chưa hiểu” - GS Phan Đình Diệu từng tâm sự.
Còn với GS Hoàng Tuỵ, những bài giảng của người anh lớn luôn là một ký ức đẹp với ông lúc sinh thời khi nghĩ về những ngày tháng gian khó - ăn chưa đủ, ở còn chật. Nhưng cứ mỗi thứ Bảy, Chủ nhật và nhiều buổi tối, người ta vẫn hồ hởi gặp nhau ở đâu đó để nghe “anh” nói chuyện.
Với cái biệt tài riêng của “anh”, những bài giảng luôn luôn hấp dẫn, làm cho người nghe khi ra về, dù không hiểu nhiều vẫn được truyền lại cái nhiệt tình sôi nổi của anh với đất nước, với khoa học, với thế hệ đàn em và tăng nghị lực vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.
“Còn nhớ năm ấy, nhân đọc tài liệu được biết vận trù học đang phát triển ở Trung Quốc, tôi nảy ra ý định nhờ anh tìm hiểu vấn đề này trong chuyến đi thăm nước bạn sắp tới của anh. Thế là lập tức, anh mang về cho chúng tôi một đống tài liệu cùng với những ghi chép trong các buổi làm việc với chuyên gia nước bạn trong lĩnh vực này.
Không có sự quan tâm đó của anh và sự ủng hộ của vị Thủ tướng (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) sáng suốt, chắc không thể có được bài báo của ký giả trên tờ Le Monde tỏ sự ngạc nhiên thú vị trước việc một số kết quả khoa học hiện đại về vận trù học lúc bấy giờ được áp dụng ngay tại một nước vừa nghèo, vừa liên miên bị chiến tranh tàn phá”.
Với GS Hoàng Tuỵ, những gì “người anh” đã làm cho khoa học, cho ngành toán và cho mỗi cá nhân người làm khoa học thời ấy có thể làm bất cứ ai cảm động.
“Làm sao không cảm động khi chúng tôi chỉ là những cán bộ khoa học còn rất trẻ mà từ việc lớn như xây dựng chiến lược phát triển các ngành khoa học, suy nghĩ tìm những biện pháp đặc biệt đào tạo nhân tài cho tương lai, đến việc nhỏ hơn như ra một tạp chí chuyên ngành để trao đổi với nước ngoài, thành lập một hội khoa học, tổ chức một xêmina, hay việc nhỏ hơn nữa như thuốc men khi ốm đau hay chiếc xe đạp để đi làm, việc gì cũng có thể trông cậy vào sự giúp đỡ tận tình và hiệu quả của anh”.
Chính vì thế, nhớ về GS Tạ Quang Bửu, GS Hoàng Tuỵ từng viết rằng: "Có những nhân cách và tài năng mà chỉ sau khi vắng bóng họ, người đời mới thấy hết khoảng trống mênh mông họ để lại".