Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn tỉnh Hải Dương) cho rằng, cần đặt câu hỏi vì sao thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các sự việc trẻ vị thành niên mang thai, sinh con, quan hệ tình dục..., gây xôn xao dư luận, "liệu giáo dục giới tính đã được quan tâm đúng mức?"
Đại biểu lo ngại vấn đề mang thai ở tuổi vị thành niên xu hướng tăng, không những làm mất cơ hội học tập mà cũng làm mất cơ hội khác trong cuộc sống.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung Giáo dục giới tính được lồng ghép trong các môn học Tự nhiên Xã hội với lớp 1, 2, 3, môn Khoa học lớp 4, 5, hay bậc THCS được đưa vào chương trình môn Sinh học lớp 8. Thế nhưng, những nội dung này còn mỏng, chỉ dừng lại ở kiến thức lý thuyết cơ bản, giáo viên lúng túng triển khai dạy, học sinh mơ hồ không hiểu đúng nên không thể áp dụng tự bảo vệ bản thân.
Đại biểu tỉnh Hải Dương thẳng thắn đánh giá, việc chia nhỏ kiến thức Giáo dục giới tính và lồng ghép vào từng nội dung môn học khác nhau khiến học sinh khó tổng hợp, chưa hiểu đúng đắn và hành vi lệch chuẩn. "Khi tiếp xúc bài học giới tính, học sinh cần phải biết quan hệ tình dục là hành vi thế nào, có nên quan hệ tình dục (QHTD) ở tuổi vị thành niên không và cách phòng tránh ra sao... Những nội dung này đang bị giáo viên và sách giáo khoa né tránh, rất ít nhắc tới", bà Ngọc nói.
Theo nữ đại biểu, việc giáo dục không đến nơi đến chốn đã gây hậu quả ngược, học sinh tò mò về hành vi quan hệ tình dục không an toàn để lại hậu quả nghiêm trọng. Bộ GD&ĐT nên chăng nghiên cứu, xem xét đưa nội dung Giáo dục giới tính thành môn học cụ thể, độc lập, giáo trình riêng, thiết kế phù hợp với từng lứa tuổi học sinh.
Cũng liên quan đến một số vấn đề nổi cộm trong giáo dục thời gian qua, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, xu hướng bạo lực trong hành vi của học sinh gia tăng là tâm lý muốn được thể hiện, được người khác biết đến.
"Ai cũng từng trải qua giai đoạn học sinh, muốn được hòa đồng với các bạn, muốn được động viên thể hiện bản thân. Học sinh có học lực yếu thường có xu hướng bạo lực. Theo tôi, lý do chính để các cháu quậy phá là muốn mọi người biết đến mình, cái mà học sinh khá giỏi luôn có được", đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phân tích.
Từ góc độ này, đại biểu đưa ra giải pháp ngăn chặn tính cách bạo lực ngay từ chương trình giáo dục, sinh hoạt tại nhà trường. Khi nhà trường khơi dậy được mặt tốt của các em học sinh, đồng thời tạo ra môi trường, khuyến khích các em thể hiện điều đó để được công nhận, tính cách bạo lực sẽ không có điều kiện để bộc lộ.
Theo ông Cảnh: "Trẻ em sinh ra cháu nào cũng có năng khiếu lĩnh vực nào đó. Thầy cô, gia đình cần quan tâm, phát hiện và bồi dưỡng để cháu nào cũng giỏi một số môn, được công nhận năng lực". Ngành Giáo dục có quy chế để các cháu có cơ hội được xuất hiện trước trường lớp để thể hiện bản thân, hòa nhập với các bạn.
Khi học sinh thỏa mãn mong muốn được công nhận thì không có xu hướng bạo lực. Điều này giúp các cháu có thêm kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày đám đông, giúp hình thành thói quen tốt sau này, đại biểu này đề xuất giải pháp.