Giải quyết 'tắc nghẽn' đấu thầu, thiếu thuốc và thiết bị y tế

Ly Linh Phong| 15/08/2023 09:41

Sau một thời gian dài liên tục gặp phải tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế, Chính phủ, Bộ Y tế đã nhanh chóng có các chỉ đạo tháo gỡ. Bước đầu những động thái này mang lại tín hiệu tích cực.

Giải quyết “tắc nghẽn” đấu thầu, thiếu thuốc và thiết bị y tế
Tắc nghẽn đấu thầu dần được khơi tháo gỡ. Ảnh: NGUYỄN LY

Ngành Y tế được gỡ "nút thắt" thiếu thiết bị
Tháng 3.2023, Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Ngày 23.6, Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu sửa đổi, góp phần quan trọng vào việc "gỡ khó" cho ngành Y tế.
Tiếp đó, để giải quyết khó khăn về vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 14/2023/TT-BYT để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xây dựng giá gói thầu các trang thiết bị y tế cho các dịch vụ như kiểm định, kiểm chuẩn, bảo hành, bảo dưỡng; đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở y tế công lập yên tâm mua sắm trang thiết bị y tế mà không phải e ngại như trước.
PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: "Có thể nói, Nghị quyết 30 của Chính phủ cũng đã mở ra cho các bệnh viện, cơ sở y tế cơ hội để mua sắm hóa chất, vật tư, thiết bị, linh kiện để phục vụ công tác khám, chữa bệnh và được thể chế hóa bằng Thông tư số 14".
Thông tư 14 đã giúp cho các bệnh viện có thể mua được các vật tư, thiết bị y tế mà trước đây đòi hỏi phải có ba báo giá thì nay không cần. Thông tư 14 nêu rõ, trong trường hợp bảo dưỡng có thể có 1-2 báo giá, chủ đầu tư sẽ giao hội đồng xem xét, lựa chọn mà không phải chờ đủ 3 báo giá.
Tại TP Hồ Chí Minh, sau đại dịch COVID-19, ngành y tế đã đối diện với những khó khăn đáng kể.
Một ví dụ cụ thể là Bệnh viện Trưng Vương tại TP Hồ Chí Minh. Đây là bệnh viện tiên phong thực hiện chỉ thị về việc chuyển đổi chức năng để đảm nhận việc điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Tuy nhiên, khi đại dịch kết thúc, Bệnh viện Trưng Vương và các cơ sở y tế khác bắt đầu đối mặt với tình trạng "trống rỗng". Tiền không có để mua sắm và cứ chắp vá máy này sang máy kia.
Giai đoạn khó khăn này không chỉ diễn ra ở Bệnh viện Trưng Vương, mà còn nhiều bệnh viện khác trên địa bàn. Ngay cả Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến cuối nhưng cũng lao đao về thiếu cơ sở, vật chất hoạt động.
Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh trước đó cũng báo động nguy cơ thiếu hóa chất, đặc biệt hóa chất giải phẫu bệnh tại bệnh viện, bởi công tác đấu thầu vật tư, trang thiết bị gặp khó khăn.
TS.BS Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh - cho biết, bệnh viện rất mừng vì Nghị quyết số 30 ban hành đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc. Đặc biệt là vật tư trang thiết bị, thuốc, hoá chất trong xét nghiệm, trong đó có nhiều máy mượn, máy đặt và đặc biệt là gia hạn tự động các loại thuốc.
Đồng quan điểm với Bệnh viện Ung bướu, BS.CKII Trần Văn Khanh - Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết, đứng dưới góc độ Bệnh viện, Nghị quyết 30 ban hành, những vấn đề thanh toán BHYT cho máy đặt, máy mượn được thông qua. Điều này, giúp các đơn vị có phương tiện để phục vụ người bệnh.

Gỡ khó thiếu máu ở ĐBSCL
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, thì vẫn còn một số nơi xảy ra thiếu hóa chất, đặc biệt là thiếu máu. Trong đó, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ gặp vướng mắc mua sắm đấu thầu, vật tư y tế dẫn đến hệ lụy thiếu máu tại khu vực ĐBSCL.
BS.CKII Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ - cho biết: “Mặc dù đã sớm làm hồ sơ liên quan từ năm 2022 và chủ động dự trữ máu từ 3 đến 6 tháng nhưng bệnh viện vẫn không thể cầm cự vì thiếu máu cung cấp cho ĐBSCL”.
Lý giải nguyên nhân khiến quá trình mua sắm trang thiết bị y tế của TP Cần Thơ chậm trễ, Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết: Quá trình mua sắm đấu thầu đã đi được 1/3 chặng đường thì Bộ Y tế ban hành Thông tư 08, Cần Thơ buộc lòng phải quay lại từ đầu. Sau đó, Cần Thơ đi được một đoạn nữa thì đến ngày 30.6, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Thông tư 14 năm 2023, hướng dẫn lại về đấu thầu, trang thiết bị y tế và có hiệu lực từ ngày 1.7.2023. Việc này đã khiến tiến độ đấu thầu bị chậm lại.
Để giải quyết tình trạng thiếu máu cứu chữa người bệnh, HĐND TP Cần Thơ ban hành Nghị quyết 01, phân cấp các đơn vị sẽ tự quyết đối với những gói thầu từ 500 triệu trở xuống; đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cũng được tự quyết định việc mua sắm hoặc không có giới hạn về số tiền giống như của Cần Thơ.
"Chúng tôi đề xuất xem xét sửa đổi bổ sung Nghị quyết 01 được phân cấp cho các bệnh viện trực thuộc Sở để họ được quyền quyết định. Nếu đề xuất này được HĐND chấp thuận thì không chỉ riêng Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ mà các bệnh viện khác trực thuộc Sở Y tế cũng sẽ thuận lợi trong quyết định mua sắm.
Tuy nhiên, với cách làm này, các bệnh viện cũng đối diện rủi ro vì quyền lợi cao thì trách nhiệm lớn và không có được người giám sát trong quá trình thực hiện" - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Việt Nga đánh giá.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết 'tắc nghẽn' đấu thầu, thiếu thuốc và thiết bị y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO