'Giải phóng tư tưởng để khắc phục việc cán bộ thụ động, không dám làm'

Tùng Nguyên| 16/04/2023 14:51
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Tại buổi làm việc của Chính phủ với Thành ủy TPHCM, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung những điểm vướng cần tháo gỡ, trong đó quan trọng hàng đầu là giải phóng tư tưởng với cán bộ.

Sáng 16/4, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Nêu vấn đề, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, TPHCM là đầu tàu kinh tế, là trung tâm văn hóa, xã hội của khu vực phía Nam và cả nước. Thành phố phát triển hay khó khăn đều tác động đến tình hình phát triển chung của cả nước.

Giải phóng tư tưởng để khắc phục việc cán bộ thụ động, không dám làm - 1

Buổi làm việc của Thủ tướng tại TPHCM, sáng 16/10 (Ảnh: VGP).

"Cán bộ... 3 không, vừa làm vừa nghe ngóng"

Báo cáo của Thành ủy TPHCM cho biết, năm 2022 dù có nhiều khó khăn song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.

Tuy nhiên, sang quý 1/2023, tình hình phát triển kinh tế của thành phố gặp khó khăn. GRDP của thành phố năng động nhất nước chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sụt giảm; tốc độ tăng trưởng chậm dần, dẫn đến vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước có phần giảm sút…

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thành phố để thúc đẩy tăng trưởng là quan trọng nhất thời điểm hiện tại. Bộ trưởng đề xuất 4 vấn đề mà Thành ủy, UBND Thành phố cần sớm giải quyết để thúc đẩy tăng trưởng.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng hàng đầu của Thành phố cũng như một số địa phương là phải giải phóng được tư tưởng cho cán bộ lãnh đạo và những người thực thi. Muốn làm được điều này, làm sao phải khắc phục được tư tưởng thụ động, không dám làm".

Theo Bộ trưởng, tư tưởng thụ động của một bộ phận cán bộ hiện nay thể hiện ở "3 không": không nói, không tham mưu đề xuất và không triển khai hoặc triển khai cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng.

Ông cho rằng muốn khắc phục được vấn đề này, ngoài quán triệt chủ trương còn phải có cơ chế, quy định và tạo môi trường an toàn cho cán bộ làm việc.

Giải phóng tư tưởng để khắc phục việc cán bộ thụ động, không dám làm - 2

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: VGP).

Vấn đề thứ 2 mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc đến là tăng trưởng kinh tế và đầu tư công. Thực tế, kết quả thực hiện các mục tiêu của TPHCM trong quý 1/2023 chưa đạt được mong muốn nên phải tập trung, đẩy nhanh tăng tốc từ quý 2/2023. Do đó, việc quan trọng nhất đối với thành phố trong thời gian tới là giải ngân đầu tư công.

Vấn đề thứ 3, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Thành ủy, UBND TPHCM chú trọng phát triển lĩnh vực dịch vụ. Ông đánh giá, khu vực dịch vụ của thành phố đang lộ rõ 2 dấu hiệu đình trệ: hoạt động của các nhà hàng, khách sạn cho thuê chưa trở lại được như thời kỳ trước Covid-19 và việc thu hút lượng khách quốc tế không đạt. Trong khi đó, đây là những thị trường rất quan trọng đối với nền kinh tế.

Sau cùng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc tới vấn đề doanh nghiệp và lao động. Ông bày tỏ lo lắng vì chưa bao giờ khu vực miền Tây có tỷ lệ thất nghiệp cao như quý 1/2023 (2,64%, cao hơn so với bình quân 2,22% của cả nước). Điều này cho thấy, lực lượng lao động tại TPHCM đã trở về miền Tây và nhìn chung là tỷ lệ không nhỏ lao động của khu vực Đông Nam bộ về quê và không trở lại.

Để giải quyết vấn đề doanh nghiệp và lao động, người đứng đầu ngành đề nghị Thành ủy, UBND Thành phố đẩy mạnh thực hiện 3 nội dung.

Thứ nhất, thành phố phải tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, từ đó ổn định thị trường lao động.

Thứ hai là chú trọng hơn đến tuyên truyền, vận động để ổn định, không để xảy ra tình trạng người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần như thời gian vừa qua. Việc này gây hệ lụy rất lâu dài cho người lao động.

Thứ ba, TPHCM hiện có 86 hồ sơ đã chuyển sang đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, đề nghị xử lý khởi tố đối với những trường hợp nợ đọng bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội mà chưa xử lý được bất cứ trường hợp nào.

"Tôi đề nghị mạnh dạn làm thí điểm một vài trường hợp để rút kinh nghiệm trên quy mô toàn quốc về hướng xử lý tình trạng này" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.

Liên quan đến các nội dung quản lý về lao động - thương binh và xã hội, chính quyền TPHCM đề xuất sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; sửa Luật Giáo dục nghề nghiệp, Quyết định 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng và thí điểm cấp phép qua giao dịch điện tử.

Với 3 vấn đề trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Bộ LĐ-TB&XH sẽ cố gắng giải quyết trong thời gian sớm nhất với tinh thần quyết tâm nhanh nhất để giúp TPHCM tháo gỡ khó khăn.

Như việc sửa đổi Nghị định 152, Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH thực hiện trong tháng 11/2023 nhưng nếu như trong kỳ họp tới, Chính phủ cho bàn nội dung này, Bộ LĐ-TB&XH sẽ quyết tâm làm xong trong đầu tháng 7.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Giải phóng tư tưởng để khắc phục việc cán bộ thụ động, không dám làm'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO