Giá xăng giảm nhưng nhiều thứ vẫn tăng, người dân, doanh nghiệp than vãn

THANH PHƯỢNG (Tổng hợp)| 01/07/2022 16:12

Từ 15h ngày 1/7, giá xăng được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm nhẹ. Tuy nhiên nhiều thứ vẫn tăng giá khiến người dân, doanh nghiệp chật vật đối phó.

Giá xăng giảm... nhỏ giọt

Theo thông tin từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, sau kỳ điều hành của liên bộ Công thương - Tài chính, giá bán các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm. Đây là kỳ giảm thứ 4 kể từ đầu năm nay sau khi giá xăng dầu đã tăng liên tiếp trong 7 kỳ điều hành vừa qua.

Theo đó giá xăng E5RON92 vào ngày 1/7 giảm 410 đồng/lít, từ 31.300 đồng/lít xuống còn 30.890 đồng/lít.

Xăng RON95-III giảm 110 đồng/lít, từ mức hiện hành là 32.870 đồng/lít xuống mức 32.760 đồng/lít; xăng RON95-IV có giá 32.860 đồng/lít.

Dầu diesel giảm 400 đồng/lít, từ mức 30.010 đồng/lít xuống mức 29.610 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 430 đồng/lít, từ mức 28.780 đồng/lít xuống mức 28.350 đồng/lít. Dầu mazut giảm mạnh nhất với 1.010 đồng/kg, từ mức 20.730 đồng/kg xuống mức 19.720 đồng/kg.

Trong năm nay giá xăng dầu liên tục tăng và có mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7/2014. Giá xăng liên tục tăng trong 7 kỳ điều hành gần đây.

Mặc dù có mức giảm từ hôm nay 1/7, song giá xăng dầu vẫn ở mức cao khi liên tục thiết lập mức kỷ lục trong thời gian qua.

Kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng dầu

Sáng 30/6, Bộ Tài chính cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, thông tin trên tờ Tuổi Trẻ Online cho hay.

Bộ Tài chính cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.

Cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12 và đề xuất giảm thuế suất ưu đãi nhập khẩu với xăng, Bộ Tài chính nhận định sẽ giúp hạ nhiệt giá xăng dầu trong thời gian tới.

Cụ thể, đối với thuế bảo vệ môi tường, Bộ Tài chính đề xuất giảm xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31-12 năm nay với xăng giảm 1.000 đồng/lít, còn các loại dầu giảm 700 đồng/lít, kg.

Bộ Tài chính ước tính, trường hợp nghị quyết được ban hành trong tháng 7 và có hiệu lực từ ngày 1-8 tới đây thì ước giảm thu ngân sách nhà nước cả năm khoảng 20.305 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu xăng và nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu mặt hàng này, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% xuống còn 12%.

Theo tính toán của Hiệp hội Xăng dầu Viêt Nam, hiện 1 lít xăng RON 95-III đang cõng gần 10.000 đồng tiền thuế, cộng với các khoản phí thì lên tới hơn 11.000 đồng. Đây là mức khá cao. Do vậy, đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng với xăng, dầu của Bộ Tài chính được các chuyên gia kinh tế cho rất hợp lý và hợp tình, thông tin chia sẻ trên tờ Tuổi Trẻ Online cho hay.

Phí ship tăng cao ngất, chủ quán, khách hàng, shipper ở TP.HCM cùng “méo mặt”

Giá xăng cao kỷ lục đẩy phí vận chuyển tăng, khiến từ khách hàng, chủ quán đến shipper ở TP.HCM đều khốn khó.

Từ Quảng Nam vào TP.HCM để lập nghiệp, chị Phạm Thị Mỹ Chi mở cửa hàng kinh doanh hải sản tại TP Thủ Đức. Sau 2 năm đóng cửa vì dịch bệnh, chị chuyển qua hình thức bán online. Tưởng chừng việc buôn bán sẽ thuận lợi khi thành phố kiểm soát được dịch bệnh và bước vào cuộc sống bình thường mới, song giá xăng liên tục tăng khiến chị Chi đã khó càng thêm khó.

Chị Chi cho hay, giá xăng đắt kỷ lục kéo theo phí giao hàng tăng cao. Đơn hàng nội thành TP.HCM trước chỉ mất 15.000 - 20.000 đồng nay tăng lên 30.000 - 40.000 đồng. Những nơi xa hơn phí từ 35.000 - 45.000 đồng hiện tăng lên 65.000 - 75.000 đồng. Tình trạng này khiến khách rất hạn chế đặt hàng, người phụ nữ này chia sẻ trên tờ VTC News.

"Bán hàng không lời nhiều nên tôi chỉ hỗ trợ một phần nhỏ phí ship cho khách. Vì vậy, nhiều đơn hàng khách thấy phí ship cao nên hủy đơn, từ đó doanh thu giảm đi rất nhiều. Giờ chỉ mong giá xăng dầu nhanh chóng giảm để tôi yên tâm kinh doanh, kiếm sống”, chị Chi nói.

Ngoài việc khách ít, chị Chi còn phải gánh thêm chi phí vận chuyển hàng hóa cao ngất. Thời gian trước, gia đình chị gửi hàng từ quê vào TP.HCM mỗi thùng chỉ 50.000 - 70.000 đồng, hiện lên tới 200.000 - 300.000 đồng, tăng gấp 4 lần. Khoản tăng này khiến chị Chi méo mặt vì hiện chị không dám tính vào giá bán, sợ mất nốt lượng khách ít ỏi cuối cùng.

Không khá khẩm hơn người bán, khách mua hàng online cũng là "nạn nhân" của việc giá cước tăng.

Phần lớn thời gian ở trên trường nên thường xuyên đặt đồ online, bạn Võ Lê Trường An (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) cho hay, hiện phí ship tăng chóng mặt, kể cả giao hàng thông thường lẫn giao hàng qua các app, các trang thương mại điện tử đều tăng theo.

Trước đây An hay đặt cơm cho cả nhóm bạn 5 người, phí ship chỉ từ 15.000 - 20.000 nhưng bây giờ tăng lên 30.000 đồng.

"Ngày trước còn có các mã giảm giá nhưng bây giờ cũng chẳng mấy khi có, dù có mã giảm giá đi nữa thì phí vẫn cao hơn so với bình thường. Nên bây giờ mình phải tự nấu cơm ở nhà rồi mang theo để đỡ phần nào chi phí”, Trường An chia sẻ.

Giá cước tăng cũng khiến giới tài xế xe ôm công nghệ "méo mặt". Họ chia sẻ trên các hội nhóm rằng, do cước phí vận chuyển đã tăng theo giá xăng nên dù họ "cày" cả ngày đêm cũng không đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Nhiều shipper cho biết trên tờ VTC News rằng mức thu nhập của họ hiện nay quá thấp. Chẳng hạn trước đây, mỗi ngày có ít nhất 20 đơn hàng, giá cước mỗi đơn trung bình khoảng 15.000 đồng, trừ đi tiền xăng còn khoảng 10.000 đồng. Tính ra mỗi ngày thu nhập ít nhất cũng được 200.000 đồng. Thế nhưng hiện nay, thu nhập chỉ còn khoảng phân nửa.

Anh Phạm Hoàng Đông Duy - tài xế xe ôm công nghệ (ngụ TP Thủ Đức) cho hay, trước đây anh đổ 50.000 đồng tiền xăng là có thể chạy cả ngày nhưng nay phải đổ gấp đôi, xem như tiền xăng "ăn" hết tiền công.

"Giờ mình chẳng dám nhận những đơn lẻ, thay vào đó cố gắng định hình từng tuyến đường rồi gom đơn đi theo tuyến để tiết kiệm tiền xăng. Bây giờ chỉ mong sao giá xăng có thể giảm trở lại để tất cả mọi người đỡ chật vật trong cảnh bão giá hiện nay", anh Duy tâm sự trên tờ VTC News.

Giá xăng tăng cao, doanh nghiệp vận tải không thể tăng giá cước

Qua đợt dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều gần như kiệt quệ. Doanh nghiệp nào may mắn, hoạt động cầm chừng thì doanh thu cũng giảm đến 80%. Vừa trải qua cơn bão sau đại dịch, giờ đây doanh nghiệp vận tải trong nước khó khăn lại chồng chất khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao.

Nếu như trước đây, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 40% cơ cấu giá thành vận tải, thì hiện nay khi giá xăng vượt ngưỡng 33.000 đồng/lít, tỷ lệ này đã nâng lên khoảng gần 80%. Khi giá xăng dầu tăng như hiện nay, theo các doanh nghiệp vận tải cầm cự hòa được là may, chủ yếu để duy trì để giữ mối hàng làm ăn, hay lốt tuyến bến xe khách.

Ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc công ty vận tải Phú Anh, cho biết trên tờ Lao Động rằng các doanh nghiệp trong nước đều khó khăn nên chúng tôi khó có thể tăng giá cước vận tải. "Tôi nghĩ các doanh nghiệp đều khó khăn chỉ mong Nhà nước phải hỗ trợ. Hàng ít xe ít đi, nhưng phí đường bộ 1 năm cũng đóng 18 triệu đồng/xe, cùng với đó là bảo hiểm các loại. Hiện vận tải trên đường phải đóng phí đường bộ rất nhiều, tôi nghĩ Nhà nước cần hỗ trợ cho danh nghiệp để vượt qua khó khăn".

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng 12 lần giảm 3 lần, khiến các doanh nghiệp taxi đứng trước sự lựa chọn tăng giá cước, hoặc chấp nhận lỗ. Tăng giá cước hay không, tăng như thế nào cho phù hợp là vấn đề khiến doanh nghiệp đang phải đau đầu tính toán. Khó khăn nhất hiện nay là lái xe taxi chạy khoán, hay taxi công nghệ, khi giá xăng dầu cao, cùng với hàng loạt chi phí khác tăng theo, nhưng phía doanh nghiệp vẫn thu về trên 30%, nên lái xe càng chạy càng lỗ.

Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Mai Linh vùng I, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cũng cho biết trên tờ Lao Động rằng nếu không tăng giá cước, doanh nghiệp sẽ phải hỗ trợ tiền xăng cho lái xe, không họ cũng đành nghỉ việc.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giá xăng giảm nhưng nhiều thứ vẫn tăng, người dân, doanh nghiệp than vãn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO