"Cứ đi học thêm cho yên tâm"
Con gái của chị Minh Hạnh (Hà Nội) hiện học lớp 9 chuyên Anh tại Trường THCS Archimedes Academy và đặt mục tiêu vào Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ.
Mặc dù chị Hạnh công nhận con gái có lực học tốt, nhưng để nắm chắc được phần trăm đỗ được vào cấp 3 như nguyện vọng, chị vẫn đầu tư cho con tham gia các lớp học thêm.
"Con mình giỏi 10 thì con người ta phải giỏi 20. Con tiến được 10 bước nhưng biết đâu có 201 bạn ở trường khác tiến được 20 bước, mà cùng thi vào trường chỉ lấy 200 chỉ tiêu thì con khó đảm bảo xác suất đỗ.
Nên ngoài mục đích là để nâng cao kiến thức cho con, việc cho con đi học thêm phần nhiều cũng là để giải quyết vấn đề tâm lý cho cả con và bố mẹ. Cứ đi học thêm cho yên tâm", chị Hạnh nói.
Theo quan điểm của phụ huynh này thì việc học thêm sẽ giúp đỡ con định hướng được kiến thức trọng tâm thay vì phải ngụp lặn trong biển kiến thức.
Mặt khác, việc con "dùi mài kinh sử" là cần thiết để nâng cao tỉ lệ đỗ. Trước hàng trăm thí sinh xuất sắc khác, chị Hạnh khẳng định không có ai dám khẳng định con mình không cần học thêm vẫn chắc chắn đỗ được vào trường "top".
Chạy "sô" học thêm để bứt phá trong cuộc đua chuyển cấp, tuy nhiên vấn đề chi phí hằng tháng không khỏi khiến gia đình chị cảm thấy đau đầu.
Ngoài chi phí 1,2 triệu đồng cho 4 buổi/tuần của hai môn Ngữ văn và tiếng Anh, gia đình chị Hạnh còn thuê gia sư môn toán kèm 1-1 cho con 2 buổi/tuần.
Phụ huynh này cho biết vợ chồng chị là công nhân viên chức bình thường, thu nhập mỗi tháng không cao, chi phí sinh hoạt cũng không tốn kém.
Thỉnh thoảng còn hay được ông bà hai bên hỗ trợ thêm "tiền tiêu vặt cho cháu" nhưng vẫn không dư thêm đồng nào do phần lớn chi cho tiền học của con.
Ngại ngần, không trả lời con số cụ thể về chi phí cho con đi học thêm, song theo chị Hạnh nếu đã có mục tiêu rõ ràng thì bố mẹ đều chấp nhận bỏ tiền bạc, công sức để tăng khả năng đỗ của con. Lý do là vì "Lớp nào cũng thấy hay, thầy nào cũng thấy giỏi và môn nào cũng thấy cần", dù nhiều lúc phụ huynh cũng mệt mỏi với sự nghiệp thi cử của con.
"Gia đình nào không cho con đi học thêm là hiếm"
"Công bằng mà nói cũng có học sinh không cần học thêm mà vẫn thi đỗ điểm cao. Tuy nhiên số đó ít lắm và thực sự đó là những em có ý thức, có khả năng tự học, được dạy dỗ, rèn luyện cẩn thận từ khi còn nhỏ.
Còn lại số đông thì không phải thế. Nói học sinh không cần học thêm, chỉ học chính khóa cũng đủ đỗ cấp 3. Sai thì không sai. Nhưng nghe theo là "toi", bởi sức học của mỗi đứa trẻ là khác nhau", chị Hạnh bày tỏ suy nghĩ.
Bà mẹ này không phủ nhận việc học sinh không đi học thêm vẫn có thể đỗ vào cấp 3. Tuy nhiên, chị Hạnh đã "nghe ngóng" từ nhiều phụ huynh, giáo viên có kinh nghiệm và rút ra kết luận rằng việc học thêm là bắt buộc, nếu con muốn giành được một suất vào các trường cấp 3 danh tiếng. Còn không thì "mơ ước vẫn chỉ là ước mơ".
Thời lượng một tiết học trên trường là 45 phút, với lượng học sinh đông 45-55 học sinh/lớp, chị Hạnh cho rằng thầy cô giảng dạy liên tục suốt 6-8 tiếng/ngày sẽ rất khó có thể tương tác với học sinh vì cần phải truyền đạt hết kiến thức cần thiết trong mỗi buổi học.
Cho rằng nội dung được giảng dạy ở trường của con đều chưa đủ chuyên sâu, không đủ đáp ứng nhu cầu ôn luyện nên chị Hạnh đã đi dò hỏi thông tin khắp nơi để tìm được giáo viên ưng ý và uy tín để chuẩn bị cho cuộc thi chuyển cấp khốc liệt.
Bà mẹ trẻ khẳng định bất cứ gia đình nào có nguyện vọng cho con vào được một trường cấp 3 tốt đều cần phải có một "tinh thần thép" và chiến lược ôn luyện phù hợp.
"Con mình không giỏi thì phải lấy cần cù bù thông minh. Việc đi học thêm là hết sức bình thường. Dẫu mệt mỏi và mang tiếng chạy đua, nhưng tôi thấy nhà mình chưa nhằm nhò gì.
Tôi quen biết nhiều phụ huynh cho con đi học khắp nơi, thậm chí từ sáng đến khuya, theo học các thầy cô giáo nổi tiếng nhưng toàn giấu. Gia đình nào không cho con đi học thêm là rất hiếm.", chị Hạnh nói.