Gen Z: Tết áp lực, Tết là yêu thương

An Thanh (T/H)| 17/01/2024 09:00

Tết đến xuân về, trẻ con thì háo hức, mong chờ đến ngày xúng xính váy lụa áo hoa đi du xuân. Còn những người trẻ thì đang cảm thấy “nhức nhức cái đầu" vì có nhiều thứ phải lo trong ngày Tết.

Dù thích thú, vui sướng khi được về quê sum vầy cùng gia đình, tuy nhiên, không vì thế mà giảm bớt muôn vàn mối lo đa dạng mà các bạn trẻ đang phải đối mặt như vấn đề: kinh tế, chuyện học hành, gia đạo, tình duyên... nhân dịp Tết về.

Bên cạnh đó việc phải đối phó với hàng vạn những câu hỏi hóc búa từ người thân, làng xóm thì còn phải nhận biết các mối quan hệ trong dòng họ khiến Gen Z... âu lo.

Những lo âu rất... Tết

z5064793353990_44c25ce38aec2a697bb54b211e5f7114.jpg
Tết đến xuân về, ai cũng mang trong mình những áp lực.

Trong ti tỉ những loại áp lực, có lẽ “dọn nhà” là áp lực nhẹ nhàng nhất mà bạn trẻ nào cũng gặp phải. “Đại hội dọn nhà” năm nào cũng được các bạn trẻ réo tên trên mạng xã hội mỗi dịp Tết đến xuân về.

Nguyễn Công Văn (sinh viên năm 2, trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM) chia sẻ: “Vì nhà mình làm bánh để bán và bỏ sỉ nên năm nào cũng tất bật và bận rộn. Đến 28, 29 Tết mới có thời gian dọn dẹp lại nhà cửa. Nghĩ đến viễn cảnh dọn nhà đầy bột mì cùng bộ bàn ghế là mình thấy mệt mỏi”, Công Văn nói.

Nguyễn Tín (sinh viên năm 4, trường ĐH FPT TP.HCM) không lo việc dọn nhà vì gia đình đông người. Anh gặp phải những cơn "đau đầu nhẹ" khi về quê, ai cũng hỏi “ra trường rồi định làm gì” hay “định ở lại thành phố hay về quê”, “kiếm được việc chưa,...

Biết là những câu hỏi này xuất phát từ sự quan tâm của mọi người dành cho mình, nhưng nghe nhiều quá mình không khỏi cảm thấy lo lắng. Gặp người tinh tế thì không nói, gặp những người không ý tứ là lại bị đem đặt lên bàn cân so sánh với con nhà người ta”, Tín lắc đầu ngao ngán.

Còn với Nguyễn Thị Quế Chi (sinh viên năm 4, trường ĐH Giao thông vận tải TP. HCM), cô bạn cảm thấy hoang mang khi đi chúc Tết họ hàng. Hầu hết số họ hàng Chi gặp đều "trông rất lạ", phải nhờ bố mẹ giới thiệu tên tuổi kèm thuyết minh về quan hệ, vai vế.

Không chỉ nhìn ai cũng lạ mà xưng hô vai vế cũng khiến mình rối trí. Trông thì là cháu mình, nhưng thật ra phải gọi bằng ông, bà. Cứ tưởng là ông bà nhưng lại là cháu mình. Nhiều lúc bố mẹ chưa kịp giới thiệu nhưng mình lỡ chào trước, đến khi biết rồi thì ngại lắm luôn”, cô bạn kể.

z5064888293550_d73ec4b3e05b9e35edf71b0cfaea961e.jpg
Quế Chi trong lần đi mua đồ để mang về quê trang trí cho ngôi nhà để đón Tết.

và Tết của yêu thương

Dù có nhiều áp lực, thế nhưng, các bạn trẻ vẫn háo hức, đếm lịch từng ngày được trở về nhà, ăn Tết với bố mẹ. Ai ai cũng lo tân trang nhan sắc, sửa soạn, mua sắm quần áo để chào đón một năm mới sắp sang.

Nguyễn Ngọc Bảo Trang, (25 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ: "Áp lực ai cũng có, đặc biệt là dịp lễ Tết. Với nhiều bạn, có thể do áp lực kinh tế mà trốn tránh không về nhà, một số khác sợ phải đối diện với những câu hỏi về công việc, tình duyên,... Nhưng với mình thì khác, dù có trải qua chuyện gì mình cũng muốn về nhà đón Tết với bố mẹ và em gái. Đây như một cách nghỉ ngơi sau một năm vất vả và nạp năng lượng để cố gắng hơn vào năm mới”.

Đi xa nhà cả năm trời, Huỳnh Thị Yến (23 tuổi, kinh doanh shop quần áo online) chỉ mong đến Tết để được đoàn tụ với gia đình. “Năm nay kinh tế khó khăn, mình cũng mới đi làm, chưa tích góp được nhiều, dù có thể không mua được nhiều quà cho bố mẹ, nhưng với mình, ngày Tết chỉ cần sum vầy là hạnh phúc rồi, bố mẹ cũng chỉ cần mình được bình an. Mau đến Tết để mình còn về nhà làm nũng với bố mẹ”, Yến háo hức.

z5064927624436_47fc952b4de99a8cae762ad0687674dd.jpg
Huỳnh Thị Yến chỉ mong đến Tết để được đoàn tụ với gia đình.

Dù còn đang căng thẳng trong kỳ thi cuối kỳ, nhưng Bùi Thị Ngọc Diễm (sinh viên năm nhất, trường ĐH Văn Hiến) chỉ mong sớm được về nhà với bố mẹ. Cô bạn kể, lần nào mẹ gọi điện thoại hỏi “ngày mấy con về” là Ngọc Diễm lại rưng rưng:

Mình nhớ nhà lắm rồi! Nhớ cơm mẹ nấu, nhớ mấy bình siro trái cây của bố, nhớ con Gon. Chỉ mong thời gian trôi nhanh nhanh để em về nhà đi lựa hoa trưng Tết với bố, làm mứt gừng với mẹ nữa”, Diễm nói

Với những người xa quê, Tết là dịp để trở về. Thay vì âu lo, đặt nặng vấn đề kinh tế hay những câu hỏi kém duyên, hãy gác bỏ lại hết những trăn trở, bỏ qua chuyện cũ, vui vẻ trở về chào đón năm mới cùng gia đình.

Bài liên quan
  • Tái hiện mỹ tục cổ truyền tại Lễ hội Tết Việt 2024
    Từ ngày 18/01 - 21/01, tại Công viên Lê Văn Tám, Quận 1, Lễ hội Tết Việt 2024 với chủ đề “Tôn vinh Truyền thống - Kiến tạo Tương lai" sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc như xem tết, chơi tết, ăn tết, chợ tết, du tết.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Gen Z: Tết áp lực, Tết là yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO