Từ nhỏ, không phải việc gì tôi cũng vâng lời người lớn. Vì vậy, tôi thường bị cha mẹ phạt đòn. Ngược lại, em gái tôi rất được lòng cha mẹ. Em không thẳng thắn nghịch ý cha mẹ mà khéo léo qua mặt phía sau.
Lớn lên, thấy tôi thường mâu thuẫn với cha mẹ, em khuyên: "Trước mặt cứ vâng dạ, sau lưng muốn làm thế nào thì tùy mình". Tôi không chấp nhận quan điểm đó của em gái. Với tôi, chuyện nào ra chuyện đó.
Vì lẽ đó, cha mẹ chán ghét, không muốn nhìn và nghe những việc liên quan đến tôi. Tôi rất buồn nhưng hiểu đó là lựa chọn của mình.
Tôi lấy chồng. Nhà anh rất nghèo nên cha mẹ tôi phản đối. Ông bà không hỗ trợ tôi chi phí tổ chức lễ cưới. Tôi phải chắt chiu, dành dụm từng đồng. 3 năm sau, tôi và chồng mới có đủ tiền để tổ chức đám cưới.
Lúc này, em gái tôi cũng rục rịch chuyện cưới xin. Chồng em gái tôi thuộc hàng khá giả, có cả ô tô đắt tiền. Cha mẹ tôi vui và hãnh diện vô cùng.
Tôi luôn tự hỏi tại sao mình lại bị cha mẹ ghẻ lạnh. Ảnh minh họa: PX
Tôi là chị nên tổ chức đám cưới trước em gái mấy tháng. Đưa tôi về nhà chồng xong, cha mẹ ra về mà không ngoái lại nhìn con gái một lần. Trong khi, em gái tôi cưới, cha mẹ khóc như mưa, bịn rịn không nỡ về.
Ông bà còn dặn thông gia: "Con gái tôi chỉ biết đi làm, không phải lo chuyện bếp núc. Anh chị đừng bắt con tôi làm việc nhà".
Tôi chưa từng cảm thấy tủi thân khi cha mẹ ưu ái em gái hơn nhưng lần đó, tôi có chút gợn trong lòng.
Sau đám cưới, vợ chồng tôi thuê trọ, còn em gái ở chung với nhà chồng. Ngày tôi có thai, em gái cũng báo tin mừng với nhà mẹ. Cha mẹ dặn em ăn uống cẩn thận, còn rủ nhau nấu món ngon cho em tẩm bổ.
Tôi tự nhủ, mình nghèo không lo được cho cha mẹ thì không nên so bì với em gái. Em là người thường xuyên biếu tiền cho cha mẹ dưỡng già. Cha mẹ lo lại cho em cũng đúng với lẽ thường.
Một tháng trước ngày dự sinh, cha mẹ sang nhà thông gia xin rước em gái tôi về nhà chăm. Tôi chờ mãi, không thấy cha mẹ kêu về nhà ở cữ.
Chị dâu tôi bất bình, ra lời hỏi dò cha mẹ thì ông bà trả lời: "Nó muốn về đây ở cữ cũng được nhưng nhà còn trống 1 phòng, con út ở rồi. Nó về thì ra phòng khách hoặc vào phòng bố mẹ mà ở".
Tôi nghe chị kể lại mà ứa nước mắt. Tôi vốn mạnh mẽ nhưng từ khi mang thai và chứng kiến nhiều việc đau lòng, tâm trạng dễ buồn tủi.
Ngày đi sinh, tôi chỉ có chồng ở bên. Vì chưa kịp chuẩn bị quần áo em bé, chồng để tôi ở lại chờ sinh. Anh chạy đi mua sữa, tã, quần áo,... cho em bé. Lúc tôi chuyển dạ, bên cạnh chẳng có lấy một người thân nào.
Nhà chồng tôi ở xa, lại vào mùa vụ nên mẹ chồng xuống thăm cháu được 3 ngày là phải quay về. Từ đó, tôi tự mình giặt giũ, nấu cơm, chăm con.
Trong tháng cữ của tôi, mẹ đến thăm một lần và mang cho tôi 1kg thịt lợn. Bà đến nhưng không vào phòng, đứng ngoài nhìn cháu ngoại rồi vội vàng ra về. Bà lo đi lâu con út chuyển dạ lại không kịp đưa đi sinh.
Ngày em gái sinh con, cha mẹ tôi luân phiên nhau vào viện chăm. Ông bà chu đáo đến mức con rể và thông gia không còn việc để làm.
Em tôi ở cữ nhà mẹ, được cơm bưng nước rót tận giường. Mỗi ngày, em đều khoe mâm cơm cữ và bình sữa mẹ đặt bên cạnh. Xem ảnh, tôi đau lòng, tủi thân không thể tả.
Chuyện cha mẹ thiên vị con này, con kia vốn dĩ rất bình thường. Tôi cũng hiểu yêu thương thì không thể cân đong đo đếm. Nhưng, với những gì đã trải qua, tôi luôn tự hỏi sao cha mẹ lại ghẻ lạnh với mình đến thế?
Theo VietNamNet