Đừng để thủy lợi thành... thủy hại

10/08/2023 07:45

Lâm Đồng hiện có 61 công trình hồ, đập bị hư hỏng cần được đầu tư hơn 400 tỷ đồng để sửa chữa nhưng chưa tìm được nguồn vốn. Đó là chưa kể nhu cầu vốn mới phát sinh khoảng 100 tỷ đồng để chống sụt lún, sạt trượt ở hồ chứa nước Đông Thanh (nằm ở huyện Lâm Hà), một trong hai “điểm nóng” về tai biến địa chất ở Tây Nguyên.

Dẫn đầu cả nước về tình trạng sạt lở đất

Ngày 8/8, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết từ đầu năm đến nay đã xảy ra hàng chục trận mưa lớn, mưa đá, lốc xoáy, 7 vụ sạt lở đất… làm 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương; thiệt hại nhiều nhà cửa, công trình, cây trồng và gây ngập cục bộ tại một số huyện, thành phố, ước thiệt hại hơn 70 tỷ đồng. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Lâm Đồng đang dẫn đầu cả nước về tình trạng sạt lở đất.

Đừng để thủy lợi thành... thủy hại ảnh 1
Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai kiểm tra sự cố hồ Đông Thanh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng)

Trước tình hình đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (Bộ NN&PTNT) dẫn đầu đã đến Lâm Đồng để kiểm tra công tác phòng ngừa, khắc phục thiên tai, nhất là công tác bảo đảm an toàn hồ đập.

Đặc biệt, đoàn sẽ hỗ trợ Lâm Đồng nghiên cứu, đánh giá sự cố sụt lún, sạt trượt đất cũng như mức độ an toàn của hồ Đông Thanh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà) để có biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm an toàn của công trình và khu dân cư kế cận.

Đừng để thủy lợi thành... thủy hại ảnh 2
Căn nhà gần hồ Đông Thanh bị hư hỏng nặng, không ở được

Hiện cụm công trình đầu mối hồ Đông Thanh bị lún, nứt, nghiêng lệch ở nhiều vị trí, trong đó, đoạn dốc nước số 4 bị đẩy nghiêng dẫn đến tường bên trái thấp hơn thiết kế 2cm, tường bên phải cao hơn thiết kế 49cm; đáy dốc nước số 4 bị tách nứt 7,5cm.

Đồng thời, tường phải bể tiêu năng giáp đoạn nước rơi bị đẩy trồi 53cm và tường trái giáp đoạn nước rơi bị đẩy trồi 11cm. Đáy bể tiêu năng bên phải bị đẩy trồi 60cm. Tấm mái số 2 kênh hạ lưu bên bị đẩy nổi 60cm...

Xung quanh hồ còn xuất hiện nhiều vết nứt với chiều rộng từ 20-50cm, 4 căn nhà bị hư hỏng nặng và hơn 5ha đất của 9 hộ dân bị ảnh hưởng nên các hộ phải di dời đi nơi khác; tuyến đường giao thông phục vụ đi lại, sản xuất cho khoảng 50 hộ bị sạt lở nghiêm trọng.

Nhiều người bày tỏ sự lo ngại vì hàng ngày phải đi qua con đường (bao quanh dự án hồ Đông Thanh), trong khi miệng các vết nứt ngày càng rộng thêm.

Dấu hỏi lớn về sự an toàn của hồ Đông Thanh

UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo các bên liên quan đắp trả các hố đào sâu, khoan 15 mũi thăm dò và tạo độ dốc thoát nước về phía hạ lưu, tăng cường ổn định chân mái các khu vực đào đất, ta luy, chống thấm khu vực các vết nứt… Tuy nhiên, các giải pháp tạm thời này không ngăn được tình trạng các vết nứt ngày càng lớn thêm; ở nhiều vị trí, đất tiếp tục nhão ra và sạt trượt.

Đáng lưu ý, thời điểm đoàn công tác có mặt, trời nắng ráo, nhưng nước ngầm vẫn chảy ra từ các khe đất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiếp tục sạt trượt. PGS-TS Lê Văn Hùng, nguyên giảng viên Đại học Thủy lợi cho rằng, khu vực này nằm trên một khe tụ thủy, có dòng chảy rất lớn. Bình thường sẽ chảy xuống dưới, nhưng có thể đổi hướng chảy đúng vào khối trượt.

Đất đỏ bazan ở vùng này đã bão hòa do ngấm nước, lại có dòng chảy ngầm thì nguy cơ sạt lở rất cao. PGS -TS Nguyễn Châu Lân cũng nhận định ở đây có dòng chảy ngầm lớn, khiến hệ số an toàn thấp, dễ gây sạt trượt. Với sự cố này, có thể khắc phục bằng cách làm rãnh, bậc nước từ trên xuống để tránh ngấm, làm thoát nước sâu ở bên trong để xử lý các điểm sạt trượt.

Ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi đề nghị các chuyên gia nghiên cứu đánh giá, rà soát lại toàn bộ nguy cơ ảnh hưởng đến hồ chứa nước và cả vùng này. Cần rà soát lại thiết kế xem có đảm bảo an toàn công trình hay không; đặc biệt là đánh giá về an toàn quy trình tích nước sau này.

Về giải pháp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, trước mắt cần làm chậm sự dịch chuyển của khối trượt bằng các biện pháp kỹ thuật, đánh giá hướng dịch chuyển cũng như phạm vi ảnh hưởng của khối trượt. Trong đó, chú trọng việc hạ tải công trình để ổn định khối sạt trượt.

Ngoài ra, cần tính toán vị trí hồ, kênh mương xung quanh để gia cố; thực hiện việc thoát nước, cả nước bề mặt và nước ngầm. “Về lâu dài cần khảo sát rộng hơn để có giải pháp lâu dài bởi ngoài cung trượt lớn mà chúng ta đang chứng kiến, còn có một số cung trượt nhỏ khác bắt đầu xuất hiện”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cần hàng trăm tỷ đồng để khắc phục sự cố

Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh có 74 công trình có nguy cơ mất an toàn, trong đó có 13 công trình đã được phân bổ kinh phí hoặc đang thi công nâng cấp, sửa chữa với tổng vốn gần 250 tỷ đồng. Số còn lại (61 công trình) bị hư hỏng cần được đầu tư hơn 400 tỷ đồng để sửa chữa nhưng chưa tìm được nguồn vốn.

Đó là chưa kể nhu cầu vốn mới phát sinh để chống sụt lún, sạt trượt ở hồ chứa nước Đông Thanh. Cụ thể, theo dự toán của UBND huyện Lâm Hà, qua kết quả đánh giá sơ bộ về địa hình, địa chất và kinh nghiệm của các chuyên gia, dự kiến phải đầu tư khoảng 100 tỷ đồng để xử lý sạt, trượt đất… nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực và cụm công trình đầu mối của hồ này.

Quy mô thu hồi đất để triển khai khắc phục sự cố sụt lún, trượt đất ở hồ Đông Thanh khoảng 10ha; khối lượng đất sẽ đào, giật cấp để giảm tải công trình hơn 400.000m3; kinh phí thực hiện khoảng 100 tỷ đồng, trong đó bồi thường, giải phóng mặt bằng chừng 35 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, nguyên nhân chính gây sạt trượt ở hồ Đông Thanh là đã có một khối trượt hiện hữu từ lâu. Gần đây, do một số tác động mới xuất hiện nên khối trượt này bắt đầu hoạt động, gây sạt lở. Thứ trưởng đồng ý với việc Lâm Đồng tiến hành 15 mũi khoan xác định nguyên nhân, vị trí sạt trượt để có giải pháp khắc phục.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đừng để thủy lợi thành... thủy hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO