Đức tái triển khai binh sĩ gìn giữ hòa bình tới Bosnia và Herzegovina

Minh Quân| 09/07/2022 11:24

Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, Đức cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới khu vực này, trong bối cảnh vùng Balkan quan ngại về bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine.

(07.09) Đức sẽ điều động binh sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Bosnia và Herzagovina. (Nguồn: EPA)
Đức sẽ điều động binh sĩ tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Bosnia và Herzegovina. (Nguồn: EPA)

Ngày 8/7, Quốc hội Đức đã thông qua quyết định tái triển khai binh sĩ tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Âu (EU) tại Bosnia và Herzegovina.

Chỉ vài ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, EU đã quyết định tăng gần gấp đôi quy mô Lực lượng gìn giữ hòa bình (EUFOR), từ 600 lên 1.100 binh sĩ, để sẵn sàng ứng phó với những tình huống bất ổn.

Tuy nằm khá xa Ukraine, song Bosnia và Herzegovina cũng đang có sự căng thẳng do bất ổn từ một số cộng đồng dân cư trong nước.

Với quyết định trên, Đức sẽ cung cấp tối đa 50 binh sĩ để tái triển khai lực lượng tới Bosnia và Herzegovina từ cuối năm 2022. Một số binh sĩ sẽ tham gia các bộ phận liên lạc và giám sát triển khai trên cả nước, trong khi những người còn lại sẽ đóng tại trụ sở chính ở Sarajevo.

Trước đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các quan chức cấp cao EU đã cảnh báo rằng, tình trạng bất ổn do xung đột ở Ukraine có thể lan tới các nước Tây Balkan.

Nhiệm vụ hiện nay của EUFOR sẽ hết hạn trong tháng 11 tới và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thể xem xét tiếp tục gia hạn thêm 1 năm. EUFOR tiếp quản sứ mệnh gìn giữ hòa bình của NATO ở Bosnia và Herzegovina từ năm 2004.

Trong một diễn biến liên quan, Quốc hội và Hội đồng liên bang Đức cùng ngày đã chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thuỵ Điển, chỉ 3 ngày sau khi 30 quốc gia thành viên NATO ký nghị định thư gia nhập cho 2 quốc gia Bắc Âu, động thái đánh dấu sự mở rộng quan trọng nhất của liên minh quân sự này kể từ những năm 1990.

Để là thành viên chính thức, đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thuỵ Điển cần được quốc hội toàn bộ các nước thành viên NATO thông qua.

Tiến trình gia nhập có thể kéo dài tới 1 năm, nhưng trong thời gian này, cả Helsinki và Stockholm đều có thể tham dự các hội nghị của NATO, cũng như được phép tiếp cận rộng rãi hơn với các thông tin tình báo của khối.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đức tái triển khai binh sĩ gìn giữ hòa bình tới Bosnia và Herzegovina
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO