Dư luận về hồ Ka Pét và sự vụng về trong truyền thông

07/09/2023 21:08

Khi thay mặt Chính phủ đề nghị lại Quốc hội tăng vốn cho dự án hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận ngày 30/5/2023 đã chậm tiến độ 3 năm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã viện dẫn đến cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.

“Tôi nhớ mãi câu nói của đồng chí Đỗ Mười rằng Ninh Thuận có 3 vấn đề, đó là nước, nước và nước", ông thuyết phục Quốc hội nâng vốn cho dự án Ka Pét đã được thông qua năm 2019 nhưng chậm tiến độ vì mấy năm dịch bệnh ở tỉnh Bình Thuận, nơi cũng gặp tình trạng hạn hán quanh năm như tỉnh lân cận Ninh Thuận, địa phương ông từng giữ chức Bí thư.

Còn đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, nhiệt tình ủng hộ dự án. Ông nói: "Tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất thường xuyên xảy ra, với mức độ hạn hán, khô hạn ngày càng khốc liệt, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân cũng như là sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Như nhận xét của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi nói về Bình Thuận có 3 chữ kh đó là “khô, khó và khổ”. Do vậy nước là vấn đề lớn trong sự phát triển của tỉnh Bình Thuận".

Việc thông qua dự án này tại kỳ họp Quốc hội vừa qua là suôn sẻ, như lần đầu năm 2019. Những từ khóa đầy cảm xúc, những thông tin về dự án và những tranh luận về các tác động của nó đã không giúp dự án được nêu bật trên các bản tin hàng đầu của báo chí hay mạng xã hội thời điểm đó.

Đoàn kiểm tra thực địa tại khu vực rừng đặc dụng - vùng lõi dự án. (Ảnh: Vân Lam)

Cho đến mấy hôm nay, sau hơn ba tháng trôi qua và chỉ còn chưa đầy bốn tháng nữa (cuối tháng 12) là hết thời gian mà tỉnh Bình Thuận có thể kéo dài để hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016, thì dự án này bỗng trở thành tâm điểm của báo chí và dư luận.

Dư luận lo ngại về việc triệt phá 697,73 ha rừng nguyên sinh như diện tích của dự án sẽ xây dựng, về việc bảo tồn thiên nhiên, về cái giá của phá rừng đối với thế hệ sau này,… Những băn khoăn, lo lắng của dư luận là xác đáng. Và ở góc độ nào đó, đây là điều đáng mừng vì người dân còn trăn trở về các vấn đề phát triển của đất nước.

Thật đáng tiếc, tìm mãi các nguồn mà chưa thấy người có trách nhiệm của Bình Thuận lên tiếng giải thích trước sự khát khao thông tin của dư luận, của báo chí dù sự việc này đã nóng mấy ngày nay.

Chắc chắn, đây là sự phản ứng chậm chạp, vụng về hơn là thiếu thông tin. Lý do là công tác điều tra, đánh giá hiện trạng rừng của dự án đã hoàn thành vào tháng 12/2020, được cập nhật vào tháng 4/2022 và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận “đã hoàn chỉnh” hồ sơ, đề cương, nhiệm vụ khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, như Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Vì sao lại chậm trễ để lỡ một dịp rất tốt để giải thích rằng, đất rừng đặc dụng của dự án là 137,95 ha chứ không phải 697,73 ha rừng nguyên sinh mà dư luận cho là dự án sẽ “ngốn hết”? Vì sao lại không lên tiếng giải thích về sự cần thiết của dự án này trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân địa phương cũng như đóng góp của nó cho phát triển kinh tế xã hội của Bình Thuận, nơi là vùng khô hạn kinh niên nhất của cả nước? Vì sao không giải thích việc sẽ trồng thêm rừng trên diện tích hơn 1.845ha, gấp ba diện tích của hồ Ka Pét?...

Có lẽ, đây là cách phản ứng về truyền thông chính sách chậm chạp hơn là thiếu thông tin mà chính quyền địa phương đã chuẩn bị về dự án?

Phối cảnh dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện huyện Hàm Thuận Nam. (Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Bình Thuận)

Cuộc tranh luận hiện nay về xây hồ Ka Pét và “phá rừng nguyên sinh” ở Bình Thuận chỉ là sự nối dài của các cuộc thảo luận trước đây về bảo vệ thiên nhiên, môi trường như trường hợp Mã Pì Lèng, Sa Pa, Sơn Trà, Phong Nha – Kẻ Bàng, thậm chí là Phú Quốc.

Tất nhiên, không phải tất cả các trường hợp trên và các trường hợp khác liên quan đến bảo vệ môi trường đều được giải thích thỏa đáng, nhưng trong trường hợp này, nếu thông tin về hồ Ka Pét được đưa ra đúng thời điểm hơn thì sẽ tốt hơn nhiều.

Bảo tồn và phát triển là cặp phạm trù đi kèm nhau muôn thủa và trong nhiều trường hợp phủ định nhau. Nhưng bất kỳ một trạng thái cực đoan nào đều không đáng. Nếu "phát triển bằng mọi giá" là một thái cực, thì "vì môi trường bằng mọi giá" là một thái cực khác và cả hai thái cực đều không tốt cho sự phát triển.

Có lẽ, đại đa số người dân đều hoan nghênh, ủng hộ “đóng cửa rừng”. Nhưng khi đi thực tế và phỏng vấn một số người có trách nhiệm, tôi nhận thấy đóng băng rừng  không hề giúp cải thiện cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa nghèo khó cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tôi không có kinh nghiệm thực tế với hồ Ka Pét, nhưng tôi thật sự chia sẻ với những người dân ở Bình Thuận luôn đối diện với thiếu nước trầm trọng, kinh niên trong cuộc sống và phát triển nông nghiệp.

Xin trích dẫn lời một vị quan chức về sự cần thiết phải xây các hồ không chỉ ở Bình Thuận mà còn nhiều nơi khác nữa ở Việt Nam để chứa nước. “Việt Nam chúng ta cần phải xây dựng hệ thống hồ chứa, từ Tây nguyên đến Trung bộ đến Đồng bằng sông Cửu Long. Sông Cửu Long bị ngăn dòng làm thủy điện, giảm lượng nước về Việt Nam, làm nước biển dâng, xâm ngập mặt vào đất liền, ảnh hưởng đế sản xuất và sinh hoạt của người dân. Nếu ta có hồ chứa, có kênh liên thông vừa tích trữ và chuyển được nước cho Đồng bằng Sông Cửu Long, An Giang về Tây Nam Bộ, từ sông Tiền sông Hậu… Không có hồ chứa thì tới 85% lượng nước ngọt sẽ chảy ra biển mất. Mà nước ngọt là tài nguyên,…”.

Đáng tiếc là chúng ta chưa có nguồn lực để làm việc này nên cứ mùa mưa là lũ lụt, mùa khô là hạn hán, thiếu nước. Quan trọng hơn, nhận thức về vấn đề này vẫn còn chưa thông suốt. Nhưng hãy thử xem El NiNo năm nay đã để lại biết bao hệ lụy, chưa thể tính toán hết được!

Việc xây hồ có đáng giá để đánh đổi với việc chặt hạ “rừng nguyên sinh”? Câu trả lời cần liên hệ tới việc dự án đã được thông qua tới 2 lần ở Quốc hội. Đó là căn cứ vô cùng quan trọng mà lẽ ra chính quyền tỉnh Bình Thuận cần đưa ra kịp thời để giải đáp trước dư luận, để làm tốt truyền thông chính sách – một chủ trương rất lớn hiện nay nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Tư Giang

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dư luận về hồ Ka Pét và sự vụng về trong truyền thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO