Theo nhận định của ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore, năm 2024 chứng kiến nhiều biến động đáng kể trên thị trường hàng hóa toàn cầu. Giá dầu thô Brent đạt đỉnh ở mức 90 USD/thùng vào quý 2, nhưng sau đó giảm còn 75 USD/thùng vào cuối năm.
Tương tự, giá đồng - một thước đo khác về sức khỏe của nền kinh tế thế giới - đạt đỉnh ở mức chỉ dưới 11.000 USD/tấn trong quý 2 và đã giảm xuống mức 9.000 USD/tấn vào tháng 12.
Ngược lại, giá vàng lại tăng mạnh nhờ vai trò "trú ẩn an toàn" trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị, khép lại năm ở mức 2.600 USD/ounce, tăng 33% so với đầu năm.
Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tạo sức ép đáng kể lên giá dầu và đồng.
Sau các gói kích thích kinh tế ban đầu, niềm tin của nhà đầu tư vào Trung Quốc vẫn chưa phục hồi đáng kể. Ngành bất động sản nước này đang vật lộn với khoản nợ khổng lồ, chi tiêu bán lẻ yếu kém, và nguồn cung tiền suy giảm. Với nguy cơ đối mặt mức thuế thương mại cao hơn từ chính quyền Trump mới, dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2025 đã bị điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 4,3%. Thực tế là Trung Quốc đang ngày càng khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%.
Ở châu Âu, triển vọng kinh tế cũng không mấy sáng sủa. Đức và Pháp - hai động lực chính của Eurozone - đang tiệm cận suy thoái, trong khi xung đột Nga-Ukraine khiến các quốc gia ở đây phải gia tăng chi tiêu quốc phòng. Tăng trưởng yếu kém cùng khủng hoảng nợ gia tăng buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải giảm lãi suất từ 4,5% xuống 3,15% trong năm 2024.
Thị trường dầu thô Brent đối mặt áp lực kép từ giảm cầu và sự thay đổi cấu trúc cung ứng toàn cầu. Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, với sản lượng 13,5 triệu thùng/ngày, vượt xa Saudi Arabia (9 triệu thùng/ngày). Điều này làm giảm ảnh hưởng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) lên giá dầu. Triển vọng nhu cầu toàn cầu suy yếu khiến giá dầu Brent dự kiến duy trì quanh mức 70-75 USD/thùng trong năm 2025, thậm chí có thể giảm dưới 70 USD nếu thuế quan thương mại gia tăng.
Giá đồng, thường được gọi là "Tiến sĩ Đồng" do khả năng dự báo sức khỏe kinh tế, đang cho thấy triển vọng ảm đạm. Với giá dưới 9.000 USD/tấn vào cuối năm 2024, đồng phản ánh tình trạng suy yếu trong công nghiệp Trung Quốc. Tồn kho đồng trên các sàn giao dịch lớn đã tăng, cho thấy nhu cầu giảm sút. Dự báo, giá đồng có thể giảm xuống mức 7.500 USD/tấn vào cuối năm 2025.
Vàng - "ngôi sao sáng" giữa bất ổn
Trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị, vàng tiếp tục khẳng định vị thế là tài sản trú ẩn an toàn. Từ mức 2.000 USD/ounce vào tháng 1/2024, vàng đã tăng lên 2.600 USD/ounce vào cuối năm.
Các yếu tố thúc đẩy nhu cầu vàng bao gồm sự dịch chuyển đầu tư khỏi đồng USD, gia tăng dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương châu Á và thị trường mới nổi, cũng như nhu cầu vàng vật chất từ người tiêu dùng.
Những rủi ro địa chính trị và chính sách thương mại của chính quyền Trump dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong năm 2025.
Mặc dù triển vọng ngắn hạn đối với dầu và đồng khá tiêu cực, nhưng bức tranh dài hạn vẫn có điểm sáng. Với dầu thô Brent, rủi ro nguồn cung từ Trung Đông và xung đột địa chính trị có thể đẩy giá tăng trở lại. Đồng, nhờ nhu cầu từ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và xe điện, cũng có thể đối mặt nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong dài hạn.
Ngược lại, vàng tiếp tục được hỗ trợ mạnh mẽ bởi nhu cầu đa dạng hóa tài sản và giảm thiểu rủi ro địa chính trị, đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu chịu tác động từ chính sách thương mại Mỹ.
Năm 2025 hứa hẹn mang đến diễn biến trái chiều cho các mặt hàng chính. Dầu thô Brent và đồng chịu áp lực từ tăng trưởng kinh tế suy giảm ở Trung Quốc và châu Âu, cũng như rủi ro thuế quan thương mại. Trong khi đó, vàng nổi lên như một tài sản an toàn, dự kiến tiếp tục đà tăng mạnh.