Trong cuốn sách The Book of Merlyn, tác giả truyện thiếu nhi T.H. White lưu ý rằng con người khiến động vật sợ hãi hơn cọp, điều mà ông liên tưởng đến xu hướng chiến tranh bạo lực của con người.
Hơn 80 năm sau, giờ đây khoa học đã xác nhận quan sát của White, mặc dù thay vào đó, các nhà nghiên cứu đã so sánh con người với sư tử, “vua của các loài thú”, theo trang tin khoa học IFL Science.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Liana Zanette thuộc Đại học Western (Canada) và các đồng nghiệp đã phát các đoạn ghi âm về tiếng gầm sư tử, giọng nói con người, tiếng chó sủa và tiếng súng cho các loài động vật có vú ở Công viên quốc gia Greater Kruger ở Nam Phi nghe. Đây là nơi có một trong những quần thể sư tử còn sống sót lớn nhất thế giới.
Về tiếng nói của con người, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các bản ghi âm trên radio và tivi của bốn ngôn ngữ phổ biến nhất trong khu vực, phát ở mức âm lượng đàm thoại.
Các đoạn ghi âm được phát khi các con vật xuống uống nước tại những hố nước.
Từ nhiều quan sát, nhóm phát hiện ra động vật có khả năng chạy trốn khỏi hố nước nhanh gấp đôi khi nghe thấy tiếng người.
Cụ thể, khi nghe tiếng người, sư tử chạy trốn nhanh hơn 40% so với bình thường. Trong khi tất cả các loài khác có xu hướng chạy trốn tiếng người nhanh hơn sư tử. Riêng voi thì nổi giận tìm đến hộp phát ra âm thanh, đập nát chúng, sau đó bỏ đi nhanh hơn cả sư tử.
Kế đó, tiếng gầm của sư tử làm các động vật hoảng sợ hơn là âm thanh của súng và tiếng chó sủa.
Đối với động vật ở châu Phi, tiếng nói của con người đáng sợ hơn cả sư tử - (Ảnh: SHUTTERSTOCK).
“Tôi nghĩ nỗi sợ hãi lan rộng khắp cộng đồng động vật có vú ở thảo nguyên là bằng chứng cho thấy tác động môi trường mà con người gây ra", bà Zanette nói.
Theo bà, đây là một tín hiệu nguy hiểm cho thấy các động vật phản ứng thực sự mạnh mẽ trước con người. Chúng sợ con người đến chết, hơn bất kỳ loài săn mồi nào khác.
Suy cho cùng, sư tử chỉ giết những gì chúng có thể ăn, trong khi một số người sẽ giết cả một con tê giác để lấy sừng của nó làm thành những loại thuốc không hề có tác dụng.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Current Biology.
Theo Tuổi Trẻ