Chiều 29/7, phiên xét xử 254 bị cáo trong vụ sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo tại Trung tâm Đăng kiểm 50-06V.
Mặc dù chủ động viết đơn xin tự thú nhưng tại tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Long (Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-06V) lại luôn bao biện cho hành vi phạm tội của mình.
Bị cáo Long cho rằng, bản thân nghiêm cấm việc nhân viên nhận hối lộ, bỏ qua lỗi đăng kiểm và chỉ cho phép nhận tiền sau khi xe đăng kiểm đạt. Về lý do nhận tiền của các chủ phương tiện, Long khai, nhằm mục đích nâng cao đời sống, ngoại giao và “chung chi” cho lãnh đạo cấp trên.
Trước lời khai của bị cáo Long, chủ tọa Huỳnh Văn Trực chất vấn, "Bị cáo cấm nhân viên nhận tiền của khách, nhưng nếu xe không có lỗi gì thì sao người ta đưa tiền? Điều này chứng tỏ bị cáo đang khai báo không thành khẩn".
Tại tòa, bị cáo Long còn xin HĐXX xem xét lại số tiền hưởng lợi, Long cho rằng mình chỉ được hưởng khoảng 850 triệu đồng, trong khi cáo trạng xác định con số này là hơn 1,1 tỷ đồng.
Các bị cáo nguyên là cán bộ, đăng kiểm viên tại Trung tâm Đăng kiểm 50-06V khai việc nhận hối lộ là theo chủ trương của Ban giám đốc và sự chỉ đạo của bị cáo Long.
Các bị cáo cũng xin HĐXX xem xét về số tiền hưởng lợi, như xin được trừ những ngày nghỉ lễ, tết và những ngày nghỉ công việc cá nhân để từ đó xác định lại số tiền hưởng lợi.
Trước đề nghị này, đại diện VKS cho biết, trong quá trình điều tra, truy tố, VKS và CQĐT đã trừ cho mỗi bị cáo 2 tháng khi tính số tiền thu lợi bất chính.
Theo đại diện VKS, số liệu về số tiền hưởng lợi của các bị cáo được nêu trong cáo trạng căn cứ vào chính lời khai của các bị cáo và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ.
Theo cáo trạng, tháng 8/2016 sau khi được bổ nhiệm làm Giám đốc, bị cáo Nguyễn Thanh Long đã thống nhất với các thành viên trong Ban giám đốc, chỉ đạo đăng kiểm viên nhận hối lộ để bỏ qua lỗi của các phương tiện đến đăng kiểm.
Cụ thể, với xe dưới 9 chỗ đến 16 sẽ có giá 150 ngàn đồng; từ 16 chỗ đến 45 chỗ và xe tải dưới 5 tấn là 200 ngàn đồng; xe tải từ 5 tấn, xe đầu kéo là 300 ngàn đồng/1 lần kiểm định.
Khi có xe vào, đăng kiểm viên lên cabin kiểm tra, nếu xe có để tiền thì sẽ bật đèn chiếu sáng trước và mở đèn cảnh báo nguy hiểm. Nếu trên xe không có tiền hối lộ thì để đèn cảnh báo nguy hiểm.
Vì vậy, muốn quá trình kiểm định đạt, hầu hết các chủ phương tiện phải để tiền trên xe, hối lộ cho các đăng kiểm viên. Tính từ tháng 8/2016 đến tháng 5/2022, Trung tâm Đăng kiểm 50-06V đã nhận hối lộ của các chủ phương tiện hơn 16 tỷ đồng. Riêng bị cáo Long được hưởng lợi gần 1,1 tỷ đồng.
Để được cấp trên làm ngơ cho sai phạm, Long còn thay mặt trung tâm hối lộ cho bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm) hơn 250 triệu đồng.
Theo lời khai của Long, đầu tháng 5/2022, khi bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm, giai đoạn từ tháng 8/2021 đến tháng 12/2022) chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm phải chung chi theo mức tiền từ 8.000-15.000 đồng/lượt phương tiện kiểm định. Vì vậy, hàng tháng mỗi khi được triệu tập ra Hà Nội họp, Long sẽ đi đổi tiền Việt sang tiền USD, bỏ vào phong bì ghi dòng chữ “5006V” rồi đưa cho Cục trưởng Hà. Tổng số tiền mà Long hối lộ cho bị cáo Hà là 234 triệu đồng.