Sự hứng khởi từ trận thắng của Hà Nội FC
Đội tuyển Việt Nam có lịch tập trung chuẩn bị cho đợt FIFA Days cuối cùng trong năm từ ngày 6.11, tuy nhiên, một số cầu thủ của Hà Nội FC và Hải Phòng lên tuyển muộn vì còn phải làm nhiệm vụ tại 2 mặt trận AFC Champions League và AFC Cup.
Mặc dù giải đấu cấp câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia không liên quan nhưng có một sự cảm nhận khá tích cực sau khi Hà Nội FC giành chiến thắng 2-1 trước Wuhan Three Towns trên sân Mỹ Đình.
Về mặt tinh thần, trận thắng mà đại diện Thủ đô lội ngược dòng đó là sự khích lệ lớn với đội tuyển quốc gia, khi 2 đội cùng có khoảng thời gian khó khăn.
Với Hà Nội FC là 5 trận thua liên tiếp đầu mùa 2023-2024, với tuyển Việt Nam là 3 trận “thua trắng” trong đợt FIFA Days tháng 10, đẩy huấn luyện viên Philippe Troussier vào sâu hơn những áp lực của sức ép.
Chiến thắng mà Hà Nội FC giành được như lời khẳng định dành cho đội tuyển quốc gia, rằng, khó khăn nào cũng có cách giải quyết. Vấn đề là sự kiên định, quyết tâm và kiên nhẫn của mình tới đâu.
Giải quyết những điểm nối
Cũng từ trận thắng của đương kim á quân V.League trước đại diện đến từ Trung Quốc, giới chuyên môn có thể đặt vấn đề với huấn luyện viên Troussier về tính kết nối trong lối chơi.
Như đã thấy ở các trận đấu của Đội tuyển Việt Nam, yếu tố kết nối đang là vấn đề trong lối chơi với thiên hướng kiểm soát bóng. Có rất nhiều nhận xét đưa ra về việc các tuyển thủ “chỉ biết chuyền bóng lòng vòng phần sân nhà, đưa lên giữa sân rồi lại… quay về”.
Thực tế cho thấy, yếu tố kết nối thường bị đứt đoạn khi bóng được đưa gần tới 1/3 cuối sân. Rõ ràng, trong bất kỳ hệ thống chiến thuật nào, không thể kết nối ở mặt trận tấn công thì không thể có bàn thắng cho mục tiêu chiến thắng.
Vậy nên, câu hỏi đặt ra là, ông Troussier có nên tìm ra cho mình những “tổ” chơi bóng hợp với nhau nhất chứ không hẳn sắp xếp những cầu thủ tốt nhất vào đội hình xuất phát?
Có nhiều ví dụ ở các đội bóng trên thế giới cho thấy, đặt nhiều ngôi sao cạnh nhau không chắc đã phát huy hiệu quả tối đa (tất nhiên là khi gặp các đội bóng mạnh chứ không phải đối thủ dưới cơ). Bởi quá nhiều cá tính “thủ lĩnh” dẫn đến việc ai cũng muốn “chỉ huy”. Chưa kể việc các cầu thủ đến từ những câu lạc bộ khác nhau, phong cách khác nhau.
Nói một cách hình ảnh, kể cả khi chọn lối chơi kiểm soát chủ động và tấn công, đội bóng không thể có tất cả là “nghệ sĩ”.
Vẫn cần có những “thợ cày”, những “máy chạy” để giải quyết vấn đề về không gian. Những nhân vật này kết nối bằng sự hiểu ý, bằng cả sự hy sinh, chấp nhận.
Như cách Hà Nội FC đã chơi ở trận vừa qua chẳng hạn, Hùng Dũng làm chủ khu vực giữa sân để điều tiết, Văn Quyết giữ nhịp và hướng bóng về vòng cấm, Tuấn Hải di chuyển và đón nhiều đường bóng, với kết quả là Xuân Mạnh và Văn Tùng có 2 đường kiến tạo cho cú đúp của Tuấn Hải.
Như các thành viên của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai từng là chủ chốt trong lối chơi của đội tuyển trước đây, ông Troussier có thể sẽ cần chọn lựa những điểm nối tương tự.
Hà Nội FC và Viettel cùng có 3 cầu thủ trên sân trong đội hình xuất phát nhưng mỗi người một tuyến, còn lại là các vị trí của nhân tố từ Bình Dương (Ngọc Hải), Hoàng Anh Gia Lai (Tuấn Anh), Hải Phòng (Việt Hưng), Nam Định (Văn Toàn).
Tất nhiên, ai cũng muốn ra sân với đội hình tốt nhất, nhưng ở nhiều thời điểm, dùng những nhân tố biết cách tạo nên sợi dây liên kết một cách hiệu quả vẫn tốt hơn.