Chợ Mơ tại phố Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trước kia là một trong những khu chợ lớn, sầm uất với bề dày lịch sử hơn 100 năm tuổi, mỗi tháng họp 6 phiên, buôn bán đủ các mặt hàng. Năm 2008, chợ Mơ chuyển về chợ tạm dọc bờ sông Kim Ngưu để chờ dự án xây dựng Trung tâm Thương mại chợ Mơ. Đến năm 2014, chợ Mơ truyền thống được phục hồi tại địa điểm cũ nhưng đưa xuống "lòng đất", kinh doanh buôn bán ở tầng hầm của tòa nhà 15 tầng.
Trung tâm thương mại chợ Mơ nằm trên phố Bạch Mai được xây dựng trên diện tích đất 11.000m2 của chợ Mơ cũ, là một tổ hợp gồm hai khối tháp cao 15 tầng và 25 tầng dành cho siêu thị, văn phòng, chợ truyền thống. Tại đây, ban quản lý mở 3 cổng nổi ở đường Bạch Mai và Minh Khai.
Chợ Mơ được bố trí với tổng số ki-ốt đăng ký kinh doanh là 1.130. Tuy nhiên số ki-ốt kinh doanh thực tế chỉ hơn 300, đây là địa điểm kinh doanh đa dạng các mặt hàng như quần áo, giày dép, thực phẩm…
Sau 9 năm đưa xuống “lòng đất” hoạt động, hiện chợ Mơ đã dần ổn định, lượng khách đến cũng nhiều hơn so với trước. Nhiều khách hàng người dân sinh sống quanh khu vực hay dân văn phòng đã quen với sự có mặt của khu chợ dưới "lòng đất" thường xuyên đến đây ăn uống, mua sắm.
Bà Bùi Thị Nga - buôn bán tại chợ Mơ gần 40 năm, cho biết, thời gian đầu mới chuyển xuống hầm, khu chợ vắng vẻ, hiu hắt. Lúc ấy tiểu thương buôn bán cầm chừng, khó khăn, thậm chí chưa quen với không gian ngột ngạt, thiếu ánh sáng. Nhưng dần dần, mọi thứ ổn định hơn. Khu chợ bây giờ sáng sủa, thông thoáng và sạch sẽ, cũng không lo ngại nắng mưa. Khách không quá đông nhưng việc kinh doanh cũng khả quan.
“Ngày thường, chợ Mơ khá vắng, nhưng cuối tuần thì nhộn nhịp hơn. Đa phần khách tới chợ là những người trung tuổi, tìm tới mua quần áo, đồ gia dụng. Người trẻ thì thường tới các gian hàng ẩm thực. Chợ nhộn nhịp nhất là 12h trưa, khi dân công sở, người lao động xuống ăn trưa và tiện mua sắm. Ở đây hàng hóa có giá bán khá hợp lý, không có nói thách nên nhiều khách gắn bó", bà Nga nói.
Nhiều tiểu thương ở chợ Mơ cũng thừa nhận, so với trước, khu chợ khá vắng vì nhiều thứ bất tiện. Tuy nhiên, việc buôn bán đã ổn định hơn trong vài năm trở lại đây. “Khu chợ nằm dưới tầng hầm nên không phù hợp với nếp đi chợ hàng ngày của họ. Đôi khi, họ chỉ cần vào chợ mua mớ rau, quả trứng nhưng lại mất tiền gửi xe, mất công đi bộ bậc thang, tìm gian hàng nên rất ngại. Tuy vậy, đối với những khách là dân công sở làm việc trong tòa nhà thì thường xuyên đến đây ăn uống, mua sắm”, chị Hạnh nói.
Chị Lê Lan (Minh Khai, Hà Nội) cho biết, chị làm việc ở tầng 5 của toà nhà. Tranh thủ lúc nghỉ trưa chị và những người đồng nghiệp thường xuyên xuống đây ăn uống, sắm đồ. "Tôi thấy khá tiện lợi khi đi vài bước chân là xuống đến chợ để mua những món đò yêu thích. Tại đây, giá cả khá phù hợp mà mặt hàng nào cũng có. Chẳng phải đi đâu xa, lúc mưa hay nắng tvẫn mua đủ những món đồ tôi cần", chị Lê Lan nói.