Tại Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu vừa được công bố, cho rằng, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 152/2011 không quy định thời điểm kê khai, nơi nộp thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với sản lượng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bán cho thương nhân đầu mối khác và được quy định tại Nghị định 67/2011 của Chính phủ; dẫn tới các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khai, tính thuế BVMT thiếu khoảng 4.900 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp kê khai, nộp thuế BVMT tự thỏa thuận với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khi mua bán xăng dầu của nhau, dẫn đến các đơn vị liên quan kê khai thiếu trên 17 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ phân tích, Thuế BVMT được tính trong giá cơ sở xăng dầu, là thuế gián thu. Nhà nước giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện thu trên số lượng xăng dầu bán ra và nộp vào ngân sách Nhà nước.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, khối lượng tiêu thụ lớn, khi người tiêu dùng mua xăng dầu là trả ngay tiền hàng và tiền thuế BVMT.
Tuy nhiên, do Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) và nhiều Cục Thuế thực hiện chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều thương nhân đầu mối xăng dầu (được kiểm tra) nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều kỳ, nhiều năm, vi phạm Luật Thuế BVMT.
Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (trụ sở tại TP Vinh, Nghệ An) thường xuyên kê khai thuế BVMT lần đầu và hàng tháng sai, thiếu thuế bảo vệ môi trường; không kê khai thuế và kê khai không trung thực số tiền thuế BVMT phải nộp.
Từ năm 2018 đến năm 2021, tổng số tiền thuế BVMT kê khai lần đầu và tổng số tiền thuế kê khai lại tăng thêm 3.287 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ dẫn báo cáo của Tổng cục Thuế, tại thời điểm 31/10/2022, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu còn nợ, chưa nộp ngân sách nhà nước số tiền thuế BVMT 6.323 tỷ đồng.
Tại thời điểm tháng 9/2022, có 6/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được thanh tra đang nợ tiền thuế BVMT 3.219 tỷ đồng.
Đặc biệt, mặc dù còn nợ ngân sách nhà nước tiền thuế BVMT nhưng một số thương nhân đầu mối xăng dầu đã cho một số cá nhân vay, nợ để sử dụng vào mục đích cá nhân hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (từ năm 2017 đến 2022) cho , Phó tổng giám đốc và bà Chu Thị Thành, Chủ tịch HĐQT công ty, mượn số tiền 7.485 tỷ đồng (đến thời điểm thanh tra, 2 người này còn nợ công ty tổng số tiền 1.396 tỷ đồng).
Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil đã âm vốn chủ sở hữu 462 tỷ đồng, nợ Nhà nước tiền thuế BVMT 1.246 tỷ đồng, nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu trên 212 tỷ đồng nhưng lại đang cho , Chủ tịch HĐQT công ty, nợ trên 2.978 tỷ đồng.
đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan; xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nợ thuế BVMT trong thời gian dài, số lượng lớn.
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh kiểm tra, rà soát thu ngân sách nhà nước tiền thuế BVMT các thương nhân đầu mối còn nợ, nộp chậm trên 6.323 tỷ đồng và tính lãi chậm nộp theo quy định.
Thanh tra đề nghị Bộ Tài chính rà soát, bổ sung các quy định để bảo đảm các thương nhân đầu mối khai, nộp thuế BVMT đúng quy định, không để xảy ra tiêu cực, thất thu thuế.
Cục Thuế đã "lơ đễnh" như thế nào?
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, từ tháng 10/2021 đến tháng 5/2022, Cục Thuế tỉnh Nghệ An có 6 lần kiểm tra việc nộp thuế BVMT tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, trong đó 5 lần ra thông báo số tiền thuế chưa nộp ngân sách nhưng không nêu số tiền thuế BVMT phải nộp, số tiền chậm nộp, việc kê khai và tính thuế sai.
Từ đó dẫn đến công ty này khai thuế không đúng, chậm nộp thuế, nợ thuế bảo vệ môi trường hàng năm. Thanh tra Chính phủ cho rằng trách nhiệm thuộc về Tổng cục Thuế và Cục Thuế tỉnh Nghệ An.
Cục Thuế TPHCM ban hành 5 quyết định trong năm 2022 cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Công ty Xuyên Việt Oil tại các ngân hàng công ty này mở tài khoản giao dịch.
Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) thường xuyên nợ thuế bảo vệ môi trường nhưng đến ngày 16/2/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình mới có văn bản về việc nộp tiền thuế còn nợ vào ngân sách. Tại thời điểm 31/12/2022, công ty này còn nợ ngân sách số tiền thuế BVMT trên 1.114 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ chuyển 3 hồ sơ tới Bộ Công an điều tra làm rõ, gồm: Vi phạm pháp luật trong kê khai, nộp thuế BVMT và việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức; hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế BVMT đối với xăng dầu tại Công ty Xuyên Việt Oil; hành vi vi phạm trong việc kê khai, nộp thuế BVMT đối với xăng dầu và sử dụng Quỹ BOG sai mục đích tại Công ty TNHH Vận tải thủy Hải Hà.