Doanh nghiệp TP.HCM: Khó khăn lúc này không khác khi dịch Covid-19

25/04/2023 18:21
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Nhu cầu thị trường sụt giảm, nguồn vốn hạn chế, chi phí đầu vào tăng cao... là tình cảnh của hàng loạt doanh nghiệp hiện nay, nhiều đơn vị phải sản xuất cầm chừng tránh rủi ro.

Ngành dệt may đang đối diện với những thách thức lớn từ sự suy giảm của thị trường. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” tại TP.HCM sáng 25/4, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đánh giá trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5% - tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nặng nhất.

"Do tình hình lạm phát khiến tiêu dùng tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... suy giảm. Nhiều doanh nghiệp dù đã ký hợp đồng nhưng khách hàng lại dời lại, khiến lượng hàng tồn kho nhiều và dòng tiền của doanh nghiệp cũng chậm về theo", ông chỉ ra nguyên nhân.

Nguồn vốn tín dụng hạn chế

Cùng với đó, Phó tổng thư ký VASEP cho biết nguồn vốn tín dụng hạn chế khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu không có nguồn vốn để mua nguyên liệu, không mua nguyên liệu đúng giá cho nông, ngư dân. Điều này khiến nông, ngư dân hạn chế sản xuất.

“Các ngành xuất khẩu chủ yếu vay USD, trước đây lãi suất vay USD chỉ khoảng 2,1-2,3% thì nay đã lên đến hơn 4%”, ông Nam nói.

Tương tự, là ngành hàng xuất khẩu với kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm song dệt may đang đối diện với những thách thức lớn từ sự suy giảm của thị trường, nhất là ở các thị trường chủ lực như Mỹ, EU.

Ông Trần Như Tùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) nhận định những khó khăn lúc này của doanh nghiệp cũng không khác gì so với giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua.

Trên thực tế, báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu đưa ra tại hội nghị cũng cho thấy kết quả xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm đều ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ, đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 74,5 tỷ USD, giảm 15,4%.

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM SANG MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG TRONG QUÝ I

NhãnMỹTrung QuốcEUASEANHàn QuốcNhật Bản
Kim ngạch xuất khẩutỷ USD20.5711.5410.378.345.85.4

Đáng lưu ý, trong quý I, một số ngành hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu giảm như ngành hàng điện tử, máy tính: Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 13,4 tỷ USD, giảm 12,2%; điện tử, máy vi tính và linh kiện đạt 12 tỷ USD, giảm 9,3%. Xuất khẩu hàng may mặc đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,7%.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương nguyên nhân sản xuất, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu.

Ngoài ra, chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro. Chi phí nhân công, bao bì, vận chuyển... cũng tăng cao.

Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong quý I, tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước và các địa phương thấp hơn so với kế hoạch và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. “Đây là sự báo động đối với việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra cho năm nay và cho cả giai đoạn 5-10 năm tiếp theo, nếu chúng ta không kịp thời tìm được các giải pháp khắc phục”, ông Diên nói.

Cần có gói tín dụng 10.000 tỷ lãi suất thấp

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may, ông Trần Như Tùng kiến nghị trong ngắn hạn, cần tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua tham tán thương mại; trong đó tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU.

"Đồng thời, có gói vay ưu lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động như: Gói vay mà ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện trong giai đoạn Covid-19. Đối với gói vay này, áp dụng cho những doanh nghiệp nào có phương án trả nợ tốt, đã chấp hành đúng và đã hoàn trả xong khoản vay và có thể nâng lên 6 tháng lương thay vì 3 tháng", ông Tùng đề xuất.

Ngoài ra, theo ông Tùng, Nhà nước cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 2% cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh (như trường hợp Bangladesh đang làm).

kho khan doanh nghiep anh 1
Xuất khẩu thủy sản được dự báo tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay. Ảnh: Phạm Ngôn.

Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay, Phó tổng thư ký VASEP kiến nghị cần giảm lãi suất vay USD để không bị nghẽn dòng tiền. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, kích thích nông và ngư dân duy trì việc sản xuất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước coi sản phẩm trồng trên đất là tài sản để được thế chấp, vay vốn như sầu riêng, nhãn…

“Như sầu riêng mỗi năm người dân phải đầu tư khoảng 50 triệu/ha nhưng không được coi là tài sản để thế chấp”, ông Nguyễn Đình Tùng nêu ý kiến.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp TP.HCM: Khó khăn lúc này không khác khi dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO