Xu thế tiêu dùng giảm sản phẩm từ động vật, tăng sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật (plant-based) đã mở ra cơ hội xuất khẩu cho nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm chay vì Việt Nam có nguồn nguyên liệu dồi dào, giá cả cạnh tranh.
Kỳ vọng nhiều vào nước mắm chay
Ngày 23-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Dziễm Chinh, Giám đốc điều hành Công ty CTWS Group (bang Texas - Mỹ), thông tin lô nước mắm đầu tiên mang thương hiệu Làng Chài Xưa (Phan Thiết - Bình Thuận) do công ty nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam vừa tới Mỹ đã được đưa lên kệ để giới thiệu đến người tiêu dùng.
Cụ thể, lô hàng có khối lượng 1 container với 3 loại, tổng cộng 24.000 chai. Trong đó, 8.000 chai nước mắm chay Làng Chài Xưa loại 500 ml đã đưa lên kệ hàng các siêu thị tại Texas, California, Washington, Colorado và cả trang thương mại điện tử nổi tiếng sayweee.com chuyên bán thực phẩm châu Á ở Mỹ.
"Trong 3 sản phẩm nhập khẩu lần này, tôi kỳ vọng nhiều vào nước mắm chay bởi có thể khai thác được nhóm khách hàng bản xứ. Hiện giới trẻ tại Mỹ ăn chay rất nhiều và sẵn sàng thử gia vị mới có hương vị độc đáo như nước mắm chay. Đây sẽ là sản phẩm dẫn để người bản xứ quen với hương vị nước mắm truyền thống Việt Nam khi nước mắm chay có hương vị tương tự" - bà Dziễm Chinh thông tin.
Lô hàng nước mắm chay thứ 2 đang chuẩn bị lên tàu với số lượng 4.000 chai. CTWS Group đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường nước mắm tại Mỹ trong 5 năm tới và Làng Chài Xưa sẽ trở thành thương hiệu đầu tiên khi khách muốn mua nước mắm chay. Bởi lẽ, qua khảo sát sơ bộ, các sản phẩm nước mắm chay ở Mỹ chủ yếu là hàng thủ công, thị trường còn sơ khai.
Ông Trần Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH SEAGULL (thương hiệu nước mắm Làng Chài Xưa), cho hay nước mắm chay của công ty ủ từ trái thơm, cốt đậu nành và nấm ngọt Shiitake Nhật Bản. Sản phẩm này được nghiên cứu trong 3 năm để phục vụ nhóm khách hàng ăn thuần thực vật.
Theo ông Dũng, thành công của sản phẩm Làng Chai Xưa là khắc phục được điểm yếu cố hữu của nước mắm chay hiện nay là quá mặn muối và hương vị chưa đạt. Do đó, tại thị trường trong nước, sản phẩm này được nhiều nhà hàng chay tin dùng, khách hàng trở lại mua rất cao.
"Trong 2 năm tìm hiểu thị trường Mỹ, chúng tôi cảm nhận xu hướng ăn thuần thực vật (plant-based) đang hình thành rõ nét, rõ hơn cả thị trường Việt Nam. Dòng mắm chay này khi thử tại các chợ Việt Nam ở Mỹ, tất cả đều bất ngờ với hương vị thơm ngon không kém gì mắm mặn. Do đó, chúng tôi quyết định trong những container hàng đầu tiên phải có nước mắm chay. Đây cũng là một sự khác biệt so với các công ty nước mắm Thái Lan hay Trung Quốc tại Mỹ" - ông Dũng tự hào.
Thị trường rộng lớn
Ông Trần Đăng Đạt, đồng sáng lập Công ty TNHH Đạt Butter (Đạt Foods, TP HCM), chuyên các dòng bơ thực vật, đánh giá nhu cầu từ thị trường quốc tế rất lớn. Rất nhiều đối tác đã liên hệ nhập khẩu sản phẩm nhưng do công ty mới khởi nghiệp, công suất còn nhỏ nên không đáp ứng được về số lượng đơn hàng.
"Đạt Foods chỉ đáp ứng được đơn hàng tối đa nửa container trong khi khách muốn mua 1-2 container nên chúng tôi vừa nhập thêm máy móc, thiết bị để nâng công suất. Năm 2025, chúng tôi đăng ký tham dự nhiều hội chợ quốc tế để chuẩn bị cho thị trường xuất khẩu. Những mặt hàng mà Đạt Foods đẩy mạnh là bơ đậu phộng, bơ hạt điều và bơ mắc ca" - ông Đạt tiết lộ.
Bà Cao Thị Cẩm Nhung, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Thực phẩm Sáng tạo (Lemit Foods), cho biết trong tháng chay, sản lượng của công ty tăng 3-4 lần tháng thường. Không chỉ tiêu thụ trong nước, một số đầu mối còn mua sản phẩm pa-tê, chả lụa được làm từ mít của Lemit Foods để xuất khẩu. "Nhu cầu từ thị trường châu Âu, Mỹ và Campuchia rất lớn. Chúng tôi đang phải nâng cấp nhà xưởng để đáp ứng nhiều hơn các đơn hàng" - bà Nhung nói.
Theo bà Nhung, nhu cầu ăn chay theo tôn giáo vẫn ổn định nhưng số người ăn chay với mong muốn giảm thịt đang tăng rất mạnh. Việt Nam có nguồn mít non phong phú, là nguyên liệu chính để chế biến nhiều món chay ngon.
Tuy nhiên, bà Nhung cho rằng hiện khách bản xứ chủ yếu nhập nguyên liệu, sau đó chế biến theo khẩu vị, còn khách Việt kiều mới mua thành phẩm. "Các doanh nghiệp cần phát triển thêm nhiều sản phẩm theo gu tiêu dùng của người Âu, Mỹ mới xuất khẩu được thành phẩm với giá trị gia tăng cao" - bà Nhung nhận định.
Nhiều ưu thế
Ông Trương Chí Thiện, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thực phẩm Sài Gòn Chay, cho rằng so với việc xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật thì sản phẩm gốc thực vật đơn giản rất nhiều về mặt thủ tục. "Trong chiến lược dài hạn, chúng tôi hướng đến việc xuất khẩu các sản phẩm chay bởi dung lượng thị trường nước ngoài rất lớn" - ông Thiện nhận xét.
Tại thị trường trong nước, thực phẩm chay cũng phát triển mạnh mẽ để phục vụ giới trẻ, dân văn phòng theo xu hướng giảm tiêu dùng thịt động vật vì lý do sức khỏe và bảo vệ môi trường. Trong tháng chay, doanh số của Sài Gòn Chay tăng 3-5 lần dù số lượng nhà cung cấp đồ chay vào siêu thị đã tăng thêm đáng kể so với năm trước.