Mới đây, trả lời câu hỏi của cử tri, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề cập Nghị định 98 về cơ chế chính sách đặc thù của thành phố có thể giúp giải quyết một số vấn đề quy hoạch dự án, nhất là quy hoạch treo. Ông kỳ vọng Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa có thể được tháo gỡ sau mấy thập kỷ quy hoạch nhưng chưa được triển khai.
Dự án này còn nằm trong danh sách các công trình thi đua tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. UBND TPHCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện các thủ tục để đến ngày 30/4/2025 hoàn thành tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới cho dự án.
Thông tin này là tín hiệu mới nhất tại khu đô thị rộng 427ha trên bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh, đã được quy hoạch từ năm 1992 nhưng đến nay chưa triển khai.
Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TPHCM) được quy hoạch thành khu văn hóa, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi, giải trí từ năm 1992 với diện tích 427ha. Dự kiến, khu vực này sẽ phát triển thành khu phức hợp bao gồm nhà thấp tầng và một số nhà cao tầng, chủ yếu phát triển về thương mại, dịch vụ để thu hút khách quốc tế.
Trong 30 năm qua, TP HCM đã nhiều lần thay đổi chủ đầu tư dự án. Năm 2004, thành phố thu hồi đất, giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự án không được triển khai. Sau đó, thành phố giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000.
Đến cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất) được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư với số vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Thời gian triển khai thực hiện dự án dự kiến 50 năm, trong đó xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật chính là 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Công ty Emaar Properties PJSC đã xin rút khỏi dự án vào 2 năm sau đó.
Lãnh đạo quận Bình Thạnh từng cho rằng chủ đầu tư thay đổi nên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng chưa thể tiến hành. Ngoài ra, theo Luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì dự án phải điều chỉnh, hủy bỏ.
Đầu năm 2019, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM công bố 10 doanh nghiệp đã gửi văn bản đề nghị được tham gia đấu thầu dự án. Những cái tên đáng chú ý trong danh sách này như Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine; Công ty TNHH TMDV Khách sạn Tân Hoàng Minh., Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Golden Star và Công ty TNHH Capital Land...
Từ đó đến nay, dự án vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư dù đã triển khai thực hiện nhiều năm. Cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhà cửa lụp xụp không thể sửa sang hay mua bán.
Hiện tại, giao thông ở bán đảo Thanh Đa bị hạn chế. Cả bán đảo chỉ nối với khu vực bên ngoài (quận Bình Thạnh và các quận khác trong thành phố) bởi duy nhất cầu Kinh Thanh Đa.
Cầu Kinh Thanh Đa dài 700m, điểm đầu nhập với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và điểm cuối nhập với đường Bình Quới. Riêng phần cầu dài 325m, được làm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực thi công theo công nghệ đúc hẫng cân bằng, phần đường dẫn dài 375m. Bề rộng mặt cầu là 21m (4 làn xe, 2 lề bộ hành). Vốn đầu tư xây dựng là 434 tỷ đồng.
Ngoài ra, người dân có thể di chuyển bằng phà ở cuối đường Bình Quới sang địa phần TP Thủ Đức với giá vé 2.000-3.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, bờ kênh Thanh Đa bị sạt lở nên người dân cho biết khoảng 2 tuần nay, bến phà không còn hoạt động.
Cả bán đảo chỉ có 1 trục đường chính nối từ cầu Kinh Thanh Đa tới bến phà Thanh Đa. Còn lại, khu vực này chỉ có các đường nhỏ, xung quanh lau sậy um tùm nhìn như các vùng quê miền Tây, không ai ngờ đây lại là vùng đất giữa trung tâm TPHCM.