Điểm tin kinh doanh 6/12: Giá xăng dầu tăng cao

Việt Báo (Tổng hợp)| 06/12/2022 06:00

Giá xăng dầu tăng cao; Giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN

- Giá xăng dầu tăng cao

Với việc nhiều nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới giảm sản lượng đã đẩy giá xăng dầu tăng trở lại.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga vừa thông qua quyết định sẽ cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày từ nay cho đến năm 2023.

Việc ra quyết định này vì Liên minh Châu Âu (EU) áp giá trần 60 USD với dầu Nga vào ngày 5-12.

Ngay lập tức, phiên giao dịch hôm nay (5-12) giá dầu thô toàn cầu đã tăng trở lại lên gần vùng giá 90 USD/thùng. Việc tăng giá dầu còn đến từ việc Trung Quốc đã nới lỏng chính sách chống dịch bệnh giúp các hoạt động kinh doanh phục hồi và đẩy nhu cầu dầu tăng trở lại.

Các chuyên gia phân tích Ngân hàng ANZ cho biết, quyết định này phản ánh sự khó đoán định của cung và cầu trong những tháng tới. Giá dầu có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới và kéo dài sang quý 1-2023 do thị trường EU vẫn có nhu cầu cao về dầu cho hoạt động sưởi ấm.

Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Công thương, giá xăng A95 nhập từ Singapore đã tăng trở lại từ mức 89 USD leo lên 91 USD/thùng.

- Giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo NHNN Việt Nam theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền.

NHNN cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15/11/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2022 thay thế cho Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.

Do đó, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo cần phải được xây dựng và ban hành để có cùng thời điểm hiệu lực với Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là 01/3/2023.

Việc xây dựng Quyết định nhằm hướng dẫn chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện trên cơ sở bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.

Mức giá trị giao dịch phải báo cáo quy định tại dự thảo được giữ nguyên theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg là 300.000.000.

- Thêm 213 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã giao dịch chứng khoán

Ngày 5/12, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, trong tháng 11/2022, đã có thêm 213 nhà đầu tư nước ngoài được trung tâm cấp mã số giao dịch chứng khoán.

Cụ thể, trong tháng 11/2022, VSD đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 213 nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ (30 tổ chức và 183 cá nhân).

Ngoài ra, VSD đã chấp thuận thay đổi thông tin cho 54 nhà đầu tư nước ngoài (17 tổ chức và 37 cá nhân), hủy mã số giao dịch chứng khoán cho 5 nhà đầu tư nước ngoài (4 tổ chức và 1 cá nhân).

Số lượng mã số giao dịch chứng khoán hiện tại là 43.720 mã (5.476 tổ chức và 38.244 cá nhân).

- Viettel đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam 2022

Vừa qua, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) được trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”. Lễ tôn vinh và trao chứng nhận trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ hai năm 2022.

Có 34 trong số 857.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam nhận được danh hiệu này. Riêng lĩnh vực viễn thông, Viettel là doanh nghiệp đầu tiên đạt chuẩn.

Chương trình xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động, các Bộ, ngành và các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa tham gia xây dựng.

Mục tiêu cốt lõi của chương trình nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng văn hóa kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh các yêu cầu về tuân thủ pháp luật, chương trình còn đánh giá chi tiết theo 5 nhóm lĩnh vực với 16 tiêu chí cụ thể: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; Thượng tôn pháp luật; Đạo đức kinh doanh; Trách nhiệm xã hội.

- LG sẽ đầu tư thêm 4 tỷ USD vào Việt Nam

Phó chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn LG - ông Kwon Bong-seok cho biết, tương lai, LG sẽ đầu tư vào Việt Nam thêm 4 tỷ USD nữa. Tập đoàn mong muốn đưa Việt Nam là trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại trong tương lai.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tại Hàn Quốc, sáng 5/12, tại thủ đô Seoul, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp lãnh đạo Tập đoàn LG.

Phó chủ tịch LG cho biết đã đầu tư vào Việt Nam từ lâu, từ năm 1995 và đến nay đầu tư 5,3 tỷ USD vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, sản xuất máy ảnh, điện tử, điện gia dụng, thiết bị ôtô. LG có 27.000 nhân viên, công nhân Việt Nam làm việc trực tiếp trong các nhà máy LG tại Việt Nam và các công ty thành viên có tới 70.000 lao động Việt Nam.

Theo ông Kwon Bong-seok, tương lai LG sẽ đầu tư vào Việt Nam thêm 4 tỷ USD nữa. Tập đoàn mong muốn tiếp tục hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, mong muốn đưa Việt Nam là trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại trong tương lai.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 6/12: Giá xăng dầu tăng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO