Điểm tin kinh doanh 6/1: Apple chuẩn bị ký hợp đồng để sản xuất iPhone tại Trung Quốc

Việt Báo (Tổng hợp)| 06/01/2023 06:00

Apple chuẩn bị ký hợp đồng để sản xuất iPhone tại Trung Quốc; Lượng người dân rút tiền mặt qua ATM giảm mạnh

- Apple chuẩn bị ký hợp đồng để sản xuất iPhone tại Trung Quốc

Apple chuẩn bị ký hợp đồng với Luxshare - công ty đã sản xuất một số lượng nhỏ mẫu iPhone 14 Pro Max tại nhà máy ở Côn Sơn để bù đắp cho sản lượng bị mất tại nhà máy Trịnh Châu của Foxconn.

Các nguồn thạo tin ngày 4/1 cho hay Apple Inc đang chuẩn bị ký với nhà sản xuất theo hợp đồng Trung Quốc Luxshare Precision Industry Co Ltd để sản xuất các mẫu iPhone cao cấp.

Theo tờ Financial Times, Luxshare đã sản xuất một số lượng nhỏ mẫu iPhone 14 Pro Max tại nhà máy ở Côn Sơn để bù đắp cho sản lượng bị mất tại nhà máy Trịnh Châu của Foxconn vào năm ngoái.

Vào cuối tuần trước, công ty nghiên cứu ngành công nghệ TrendForce cũng đưa ra thông tin Apple quyết định thuê Luxshare là một trong những nhà lắp ráp iPhone 15 Pro Max sắp ra mắt.

- FPT Telecom cung cấp 3 gói cước FTTH mở băng thông không giới hạn cho người dùng

Theo đó, FPT Telecom sẽ cung cấp tới khách hàng 03 gói cước dịch vụ cáp quang FTTH mới tốc độ cao với tên gọi là Giga, Sky, Meta.

Các gói cước mới cung cấp cho khách hàng sẽ đều có mức băng thông tối thiểu từ 150Mbps. Đặc biệt, FPT Telecom mở băng thông không giới hạn, tùy thuộc vào năng lực thiết bị sử dụng của khách hàng sẽ được đáp ứng tối ưu. Chính sách này sẽ được áp dụng kể từ ngày 1/1/2023.

Điểm mạnh của các gói cước mới do FPT Telecom cung cấp chính là băng thông tối thiểu khách hàng được tải lên/tải xuống (upload/download) lên tới 150Mbps, cao gấp 1,5 lần đến 2 lần so với các nhà cung cấp khác trên thị trường. Riêng 2 gói cước Sky và Meta cho phép mở rộng băng thông không giới hạn, tốc độ tải thực tế tối đa được xác định theo năng lực thiết bị đầu cuối hoặc thiết bị sử dụng truy nhập Internet của khách hàng.

Đây sẽ là giải pháp kết nối hoàn hảo cho mọi tác vụ trực tuyến đòi hỏi băng thông lớn, phù hợp với những cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu sử dụng cao, live-streamers, vloggers… Các thiết bị được FPT Telecom trang bị kèm đều là Modem Wi-Fi 2 băng tần, giúp cho tốc độ truy cập Wi-Fi nhanh hơn, độ ổn định cao và vùng phủ sóng rộng khắp, đại diện FPT Telecom cho hay.

- Giá dầu thế giới giảm 10% chỉ trong tuần đầu tiên năm 2023

Giá dầu thô thế giới giảm mạnh trong các phiên giao dịch đầu năm 2023 trước những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như việc Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu.

Ngày 5/1, Sputnik dẫn lời chuyên gia phân tích Ed Moya cho biết giá dầu thế giới đầu năm 2023 giảm mạnh trước những tác động từ thị trường Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới.

Chuyên gia Ed Moya phân tích, nền kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nước này. Dù Bắc Kinh đã nới lỏng chính sách kiểm soát dịch nhưng đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khó có thể như trước trong bối cảnh hiện tại.

Dầu ngọt nhẹ - “West Texas Middle” (WTI) trong phiên giao dịch ngày 4/1 tại New York đã giảm 4,9 USD, tương đương 5,3%, xuống còn 72,84 USD/thùng. Giá dầu WTI giao dịch tại Mỹ đã giảm ít nhất 10% chỉ trong vài ngày đầu năm 2023 dù trước đó có tăng nhẹ trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022.

Còn dầu Brent giao dịch tại London ngày 4/1 giảm 4,26 USD, tương đương 5,2%, xuống mức 77,84 USD/thùng sau khi chạm mức thấp nhất còn trong ba tuần xuống 77,74 USD. Dầu Brent đóng vai trò như thước đo tiêu chuẩn cho thị trường dầu thô toàn cầu, chỉ trong 2 ngày đầu năm 2023 giá dầu Brent đã giảm hơn 9,4%. Trong phiên giao dịch cuối năm 2022, dầu Brent có tăng khoảng 10,5%.

Như vậy, chỉ trong 2 ngày giao dịch đầu năm 2023, giá dầu Brent đã giảm khoảng 9,4%, mức giảm trong 2 phiên mạnh nhất kể từ tháng 1/1991, theo dữ liệu của Refinitiv Eikon.

- Lượng người dân rút tiền mặt qua ATM giảm mạnh

Tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua máy ATM hiện chỉ bằng 1/4 so với cách đây 2 năm.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), hoạt động thanh toán điện tử tiếp tục tăng trưởng nhanh trong năm 2022 với tổng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thực hiện qua NAPAS tiếp tục tăng tương ứng là 96,5% và 87,3% so với năm 2021.

Đáng chú ý, năm 2022 tiếp tục ghi nhận tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 12% trong năm 2021, xuống mức 6,56% của năm 2022.

Trước đó, theo NAPAS, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 26% năm 2020 xuống mức 12% năm 2021.

Như vậy, con số tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt hiện chỉ bằng 1/4 so với cách đây 2 năm.

Đáng chú ý, năm 2022 tiếp tục ghi nhận tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 12% trong năm 2021, xuống mức 6,56% của năm 2022. Tỷ trọng giao dịch thẻ chip thực hiện qua hệ thống NAPAS tiếp tục tăng từ 26% năm 2021 lên đến hơn 60% năm 2022.

- Amazon sẽ sa thải 18.000 nhân viên

Trong bối cảnh các hãng công nghệ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, mới đây, “gã khổng lồ công nghệ” của Mỹ, Amazon cho biết, hãng sẽ sa thải 18.000 nhân viên – đợt sa thải lớn nhất của một công ty công nghệ trong thời gian qua.

Ngày 5/1, Giám đốc điều hành của Amazon - Andy Jassy cho biết, những vị trí bị loại bỏ phần lớn nằm ở nhân viên cửa hàng Amazon, cùng bộ phận về con người, trải nghiệm và công nghệ (PXT).

Đây là đợt sa thải quy mô lớn hơn dự báo ban đầu. Trước đó, hồi tháng 11/2022, Thời báo New York Times cho biết, Amazon dự kiến cắt giảm 10.000 nhân viên.

Đợt sa thải nhân viên của Amazon diễn ra trong bối cảnh các hãng công nghệ lớn đồng loạt đưa ra thông báo cắt giảm nhân sự. Vài tháng trước, Meta thông báo sa thải 11.000 nhân viên. Saleforce cũng đã cắt giảm 8.000 người, trong khi Intel cho biết sẽ cắt giảm nhân sự quy mô lớn trong năm nay.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 6/1: Apple chuẩn bị ký hợp đồng để sản xuất iPhone tại Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO